Thứ năm, 22/11/2012, 10h11

Lớp học làm gốm của ông thầy “kỳ dị”

Mamoru đang hướng dẫn học viên cách làm ra một chiếc bát

Đều đặn các ngày trong tuần, căn nhà nhỏ nơi góc đường Phan Tôn - Huỳnh Khương Ninh (Q.1) lại là nơi lý tưởng được nhiều người Việt Nam và du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới tìm đến. Họ đến để được tự mình thử sức với các sản phẩm bằng gốm, tự mình sáng tạo những món quà để tặng người thân, bạn bè. Và không ít người trong số họ đến đây để tìm về một thời ký ức tuổi thơ với những đôi bàn tay lấm lem bùn đất tưởng như đã bị vùi sâu trong lớp bụi thời gian.
Không giống như những lớp học bình thường khác, lớp học làm gốm của thầy Tomizawa Mamoru khá trầm lặng. Tiếng xì xầm, tiếng cười khúc khích của một học viên nào đó thi thoảng khẽ vang lên khi phát hiện ra điều thú vị cũng không đủ phá tan sự tĩnh lặng vốn có ở nơi này. Điều còn lại là sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay, sự tinh tế của óc sáng tạo cho công việc.
Lớp học độc đáo
Để có thể làm ra được một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, một học viên phải trải qua khóa học căn bản bắt đầu từ việc nhào nặn đất, bởi đây là khâu đầu tiên quyết định đến sự thành đạt và chất lượng của sản phẩm. Thầy giáo Mamoru cho biết, nếu không nhào khéo léo và nhuần nhuyễn, các sản phẩm gốm dễ bị nổ trong lò nung do chưa đẩy hết không khí ra ngoài. Những người quen tay sẽ tự cảm nhận được “độ” chín của đất khi muốn tạo ra sản phẩm nào đó theo ý mình. Để rồi từ những hòn đất đó, những sản phẩm gốm bé bé, xinh xinh đã ra đời. Tuy nhiên, nếu học viên nào không thích cũng có thể học “tắt” bằng cách không học lớp kỹ năng cơ bản mà chuyển thẳng” lên học lớp sáng tạo, nghĩa là học luôn cách tạo ra sản phẩm. Nhưng nếu học lớp này, học viên sẽ không hiểu được ý nghĩa, cái đẹp của nghệ thuật làm gốm. Và, sản phẩm của họ làm ra sẽ khó có thể gọi là đỉnh cao của sự sáng tạo và cái đẹp của nghệ thuật tạo hình gốm sứ.
Tùy tính chất của mỗi sản phẩm, người làm gốm sẽ sử dụng những vật dụng phù hợp với quy trình. Thường thì nhiều người sử dụng bàn xoay đa năng để tạo ra những sản phẩm có dạng hình tròn, hình khối trụ như cái tô, bình, lọ… rồi dùng dao - một thanh kim loại có vòng tròn ở hai đầu chứ không giống như dao được sử dụng hằng ngày -  để cắt, gọt nhằm đảm bảo sự cân đối cho sản phẩm có độ dày, mỏng đều nhau. Nhưng cũng không ít người lại thích thú với việc chỉ dùng tay như một sự thể hiện “đẳng cấp” với người khác. Sản phẩm của họ thường là những con vật, đồ dùng với độ khó, yêu cầu cao hơn hẳn. Thú vị nhất có lẽ là phần trang trí. Một cô gái người Đan Mạch khẽ mỉm cười khoe với người yêu về chiếc đĩa có hình trái tim, bên trong có khắc dòng chữ nhỏ “For you and me”. Cậu bé bên cạnh cũng tỏ ra sung sướng khi hoàn thành xong chiếc giỏ hoa để tặng mẹ… Với những màu sắc đa dạng, học viên thả sức nặn, vẽ thêm hàng ngàn chi tiết để nâng tầm giá trị so với khuôn mẫu đưa ra ban đầu.
Ông thầy đặc biệt
Nhiều người sẽ cho là Tomizawa Mamoru là người lập dị nếu biết về quãng đời của ông trước khi gắn bó với Việt Nam. Từng tốt nghiệp cử nhân ngành luật một trường ĐH danh tiếng ở Tokyo (Nhật Bản) nhưng công việc Mamoru thích nhất sau khi ra trường là… bán trái cây. Thật ra, ông chọn ngành luật chỉ với suy nghĩ: Học ngành này sẽ… vui vẻ hơn một số ngành khô khan mà bạn bè mình đã chọn như tài chính, kinh tế, công nghệ thông tin. Bản thân Mamoru từng có suy nghĩ là sẽ thành lập công ty và việc học luật sẽ thuận tiện cho ông ít nhiều khi thực hiện ước mơ đó. Thế nhưng khi nhận ra bản chất khó “nhằn” của ngành luật là Mamoru vội vàng từ giã ngành này thay vì sốt sắng tìm việc như bao thanh niên Nhật Bản lúc đó. Mamoru thích đi du lịch. Và để được đi nhiều nơi, ông đã không nề hà mọi công việc từ bốc vác, thợ hồ, phụ bếp cho đến bán trái cây ở nhiều nơi trên nước Nhật. Phải mất một thời gian khá dài lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm, ông mới chịu dừng lại ở một công ty chuyên về xuất nhập khẩu, an phận làm một viên chức với cuộc sống khá ổn định.
Có lẽ, Mamoru sẽ vẫn là viên chức nếu không có trận bão xảy ra vào năm 1995 tại thành phố Kobe, nơi ông làm việc. Trận bão kinh hoàng đã phá hủy hàng trăm tòa nhà cao tầng và khiến cho hàng ngàn người thiệt mạng. Mamoru là một trong số ít những người may mắn thoát khỏi thảm họa tồi tệ đó. Thế nhưng, ký ức kinh hoàng về những gì đã trải qua đã khiến ông không thể ở lại chờ đợi sự phục hồi của thành phố để tiếp tục làm việc. Mamoru rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đúng lúc đó, người bạn của ông tổ chức một tour du lịch “kỳ dị” cho những người yêu thích sự mạo hiểm. Đó là chuyến đi kéo dài 4 tháng qua các nước Trung Đông, Đông Nam Á mà không có hướng dẫn viên du lịch nào. Họ cần một người có sức khỏe, năng động để “chạy” việc, khuân vác đồ đạc và Mamoru được mời vào vị trí đó. Thích du lịch, đang thất nghiệp, lại mới trải qua dư chấn tâm lý nên ông đã nhận lời tham gia cuộc hành trình dù ông và tất cả những người trong đoàn đều chưa một lần đặt chân đến những vùng đất đó. Nhưng cho đến bây giờ, Mamoru vẫn thầm cám ơn chuyến hành trình đã cho ông cơ duyên gắn bó với Việt Nam. Và cũng chính tại mảnh đất này, ông đã phát hiện ra niềm đam mê mới của mình: Làm gốm.
Nhìn cách người đàn ông 44 tuổi say mê chỉ dẫn cho học trò, ít ai biết rằng Mamoru chưa từng qua một lớp đào tạo cơ bản nào về gốm. Trong một lần lạc bước vào làng gốm Bát Tràng, hình ảnh những người thợ làm gốm, những sản phẩm mà mới cách đó ít lâu chỉ là những hòn đất vô tri đã thực sự cuốn hút người đàn ông Nhật Bản này. Thế nhưng, vì phải dẫn đoàn du lịch nên ông chỉ kịp tìm hiểu sơ qua về loại hình truyền thống này. Vào thăm TP.HCM, Mamoru dành thời gian tìm đến một làng gốm ở Bình Dương để tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật gốm sứ. Sau chuyến tìm hiểu khá thú vị về gốm, Mamoru đã mua sách, tự mình vừa học, vừa bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất. Không biết bao lần, sản phẩm ông làm ra đều trở thành phế thải vì chưa đạt được kỹ thuật như mong muốn. Chiếc cốc đầu tiên được ra đời tại lò gốm Bát Tràng đã khiến ông nảy ra suy nghĩ: Tại sao không chia sẻ những điều mình học được cho người khác.
Nghĩ là làm, năm 2001, ông chính thức gắn bó với Việt Nam. Ròng rã suốt 6 tháng liền, ông vừa học làm gốm, vừa lên kế hoạch mở lớp học, tìm học viên. Và du khách nước ngoài là đối tượng được ông chú ý đến đầu tiên vì lúc này người nước ngoài tới Việt Nam ngày càng đông. Lớp học đầu tiên chỉ với 5 học viên nhưng đã đánh dấu sự thành công bước đầu của người đàn ông người Nhật. Vốn yêu thích món ăn Việt Nam, Mamoru đã mở thêm lớp dạy nấu món Việt cho người nước ngoài và tại đây ông đã gặp được tình yêu đích thực của đời mình là một cô gái người Nhật: Tomizawa Yuki. Để rồi, cô gái ấy đã trở thành bà Mamoru chỉ sau một thời gian gặp gỡ.
11 năm gắn bó với Việt Nam, ông tự nhận mình đã bị “thuần Việt” rất nhiều. Trong thâm tâm, Mamoru đã coi đây chính là mảnh đất thứ hai giúp tình yêu, khát vọng của ông được đâm chồi, nảy lộc. Bản thân ông cũng đang ấp ủ ý định mở thêm các lớp học làm gốm và dạy các món ăn Việt trên nhiều quốc gia khác để tinh hoa và giá trị văn hóa người Việt được lan tỏa khắp nơi.
Bài, ảnh: Tường Vy