Thứ tư, 2/9/2015, 14h58

Lớp học tiếng Anh miễn phí giữa lòng thủ đô

Lớp học tiếng Anh đủ mọi lứa tuổi của thầy Paul

Hành trình chuộc lỗi của Paul George Harding (P.G. Harding) - một cựu chiến binh Mỹ từ những ám ảnh tội lỗi trong suốt 45 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, bắt đầu bằng việc dạy tiếng Anh miễn phí ở Hà Nội có thể là cuộc hành trình đầy day dứt để hàn gắn những thương tổn trong tâm hồn. Và trên hết, là tìm được ý nghĩa cho cuộc sống.

Cuối tháng 8, Hà Nội nắng vẫn như rang. Một sáng thứ bảy, tôi tìm đến nhà người cựu chiến binh già. Bà bán hàng nước ngay tít ngoài đường lớn tưởng tôi đến xin cho con theo học, nhiệt tình dắt tay vào tận cổng: “Đấy, nhà thầy Paul đó. Cô cứ mang cháu đến là thầy nhận liền”. Căn nhà nằm lắt léo trong một con hẻm nhỏ của phường Trung Hòa (Q.Cầu Giấy) đang rộn lên những tiếng phát âm.

Những tiếng cười lảnh lót vang xa

Người cựu binh Mỹ tay giấy, tay bút, miệng tròn xoe đánh vần từng từ cho từng học viên đọc theo. Hôm nay chỉ là buổi học phát âm của 6 tình nguyện viên sẽ trợ giảng cùng ông trong mỗi buổi dạy.

Thầy Paul là cách mà người dân ở phường Trung Hòa cũng như những học viên gọi người cựu chiến binh già này. 67 tuổi, đã lên chức ông nhưng thầy Paul lại nhanh nhẹn, tinh tường đến lạ. Trong suốt buổi học kéo dài 2 tiếng từ 9-11 giờ, thầy luôn chân luôn tay. Nào viết, nào hát, nào phát âm, nào diễn tả bằng hành động khua chân múa tay những từ tiếng Anh khó để học viên tiếp cận nhanh và nhớ nhất.

Anh Nguyễn Văn Hưng, 45 tuổi, là một học viên đã đi làm nhưng vẫn tranh thủ thời gian để theo học lớp của thầy. Do nhu cầu công việc rất cần tiếng Anh nên ngay khi biết tiếng thầy Paul dạy tiếng Anh miễn phí, anh đã đến xin theo học, đồng thời giúp thầy công việc trợ giảng. “Sau 2 tháng theo học lớp của thầy, mình đã có thể phát âm và giao tiếp tốt hơn. Thuận lợi rất nhiều cho công việc. Thầy quá nhiệt tình” - anh chia sẻ.

Còn Vân Anh lại chỉ là một cô bé học sinh lớp 8, học lớp thầy Paul được hơn 1 tháng. “Nếu học tại các trung tâm Anh ngữ thì chi phí rất cao, em không thể theo được. Sau khi được bạn bè giới thiệu, em đi học lớp của thầy, lớp học rất vui và thú vị. Khả năng tiếng Anh của em được cải thiện rất nhiều”.

Trong cả buổi học, những tiếng cười không ngớt vang lên. Những từ ngữ tiếng Anh được thầy đưa vào lời bài hát, diễn tả sinh động bằng những động tác dễ thương khiến các học viên cười “ngoác miệng”.

Cô bé Vân Anh còn cho biết, các buổi học hôm trước cô còn dẫn theo cậu em học lớp 6 của mình cùng theo học. “Có cả các cụ già đã về hưu cơ chị ạ, em bé 4 tuổi cũng có, học lớp 1 cũng có. Nói chung đủ các lứa tuổi”.

Tiếng lành về một thầy giáo già người Mỹ dạy tiếng Anh miễn phí đã lan khắp Hà Nội. Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1991), cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân hiện đang làm trợ lý cho thầy Paul cho biết, con số học viên theo học lớp thầy hiện giờ đã lên tới quá 400 người đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần từ người đi làm, người về hưu, ông bà già, trẻ nhỏ… thậm chí cả lái taxi. Thầy Paul phải dạy 9 buổi/ tuần.

Trong cái nắng 38 độ của Hà Nội, lớp học vẫn ê a vang lên cùng tiếng cười rộn rã. Người cựu chiến binh già vẫn cứ miệt mài phát âm, sửa đi sửa lại cho những cách đọc sai.

“Hà Nội là nhà, còn đi đâu nữa”

Câu trả lời đó của thầy Paul khi được tôi hỏi thầy sẽ ở Việt Nam đến bao giờ không khiến tôi ngạc nhiên. Bởi lẽ, người ta chỉ có thể yêu nơi nào đó như nhà của mình mới có thể tâm huyết và hy sinh nhiều đến thế. Đâu dễ dàng gì để bỏ lại sau lưng tất cả, gia đình của mình, đất nước của mình đã quá nửa đời người gắn bó để nương náu ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, xa đến nửa vòng trái đất. Và cũng đâu dễ dàng gì để người ta quên đi những ám ảnh xưa cũ mà gầy dựng nên những bình yên ở tâm hồn.

Nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, cái dáng vẻ nhiệt thành và hài hước trong suốt buổi học ở người thầy giáo già ấy được thay bằng sự trầm tư, có chút gì đó như ăn năn trong từng lời nói, suy nghĩ. Dù tham chiến ở Việt Nam chỉ trong vòng 1 năm nhưng những gì mà người cựu chiến binh chứng kiến đã ám ảnh ông trong suốt cuộc đời. “Ngày đó, tôi mới 21 tuổi, quá trẻ và tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng của đất nước mình. Tôi muốn trở thành một người lính để chiến đấu cho lý tưởng ấy. Đó là sai lầm mà cho đến tận bây giờ, hình ảnh về sự tàn khốc, dã man và ác liệt của cuộc chiến vẫn cứ như những thước phim tài liệu, giằng xé sự bình yên trong tâm hồn tôi. Ánh mắt bơ vơ, căm hờn của một bé gái mới 5, 6 tuổi nhìn tôi đầy oán hận khi người cha của cô bé bị lính Mỹ bắn chết đã trở thành một vết đạn xuyên vào lồng ngực tôi mãi mãi, không bao giờ lành. Hình ảnh xóm làng tiêu điều, đầy chết chóc… Sự chán nản, gục ngã trong tâm hồn của rất nhiều lính Mỹ… Tất cả đều là những ký ức tồi tệ nhất đã đeo bám tôi như hình với bóng cả trong giấc mơ”, thầy giáo Paul trải lòng.

Một giờ học tiếng Anh miễn phí của các bạn trẻ

Sau 1 năm tham chiến, năm 1970, Paul trở về Mỹ và tham gia vào phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Cảm thấy hối hận về cuộc chiến tranh Việt Nam mà mình đã tham gia, ông luôn nung nấu ý định sẽ trở lại Việt Nam, làm một điều gì đó như một cách để chuộc lại những lỗi lầm mà mình đã mắc phải. Tháng 12-2014, sau khi đã nghỉ hưu và các con đã trưởng thành, ông quyết định thực hiện ý định của mình. “Chỉ khi đặt chân xuống Việt Nam, nhìn thấy đất nước của các bạn, tôi mới thật sự nhận thấy cuộc sống mới lại bắt đầu”.

Ông không ngờ rằng sau những gì mà người Mỹ gây ra, người Việt Nam lại có thể chào đón và “tử tế, bao dung” với ông được đến thế. “Những cựu chiến binh mời tôi vào nhà uống trà, kể lại những câu chuyện chiến đấu và còn cho tôi xem những vết thương ở ngực, ở chân mà không hề một lời nào trách móc. Những bạn trẻ Việt Nam chào đón tôi bằng những nụ cười thân thiện, bằng sự nồng nhiệt giúp đỡ tôi trong việc mở lớp học miễn phí đã khiến tôi ngỡ ngàng. Vì thế, tôi thấy mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm được điều gì đó cho đất nước này. Bởi thời gian của tôi không còn nhiều nữa”, ông Paul thổ lộ.

Nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của người Việt Nam rất cao, ông quyết định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí. Buổi học đầu tiên vào ngày 25-12-2014, ban đầu, lớp học chỉ có 5 học viên, địa điểm nhờ quán phở của một người chủ quán tốt bụng mà ông thường ăn trưa ở đó. Nhưng rồi, số học viên ngày một tăng lên, lớp học quán phở lại quá nhỏ và ồn ã thế nên UBND phường Trung Hòa đã tạo điều kiện cho ông mượn phòng họp của tổ dân phố để làm lớp dạy trong 6 tháng. Đồng thời còn phát thanh trên loa của phường để thông báo cho mọi người trong phường có nhu cầu đến học.

Số học viên ngày càng tăng lên đến trên 400 người, chia làm 6 lớp, phòng học không còn đủ rộng để dạy nên người cựu chiến binh già lại phải tìm địa điểm mới để dạy. Hiện địa điểm mới là phòng học của Trường CĐ Nghề Công nghiệp được thuê lại, khang trang và rộng rãi.

“Dù lịch dạy kín cả tuần, tôi không còn có thời gian nhiều cho riêng mình nữa, rất mệt nhưng tôi luôn luôn thấy lòng mình thanh thản và vui vẻ. Sự day dứt, ám ảnh xưa kia được thay bằng sự nhẹ nhõm. Nhìn nụ cười của các bạn trẻ tham gia lớp học hay những phát âm ngô nghê của các em bé, tôi thấy cuộc đời mình như sống lại một lần nữa vậy” - ánh mắt rạng ngời, người cựu chiến binh già chia sẻ.

Chủ đề của các buổi học thường xoay quanh những câu chuyện lịch sử, những nhân vật lịch sử Việt Nam mà ông sưu tầm và tìm hiểu. “Tôi rất thích lịch sử Việt Nam, những người anh hùng như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Trỗi… luôn luôn gợi cho tôi nhiều hứng thú. Tôi thực sự thấy khâm phục dân tộc và con người Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng”. Chẳng thế mà ngay trong căn phòng nhỏ của lớp học tại nhà ông, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được lồng khung treo trang trọng. “Tôi luôn tự hỏi, liệu Chủ tịch Hồ có đang nhìn mình và tha thứ cho mình không?” - Paul day dứt nói.

Cuộc nói chuyện kết thúc cũng là lúc Hà Nội vào chiều. Bài giảng mới đã bắt đầu được người cựu chiến binh sửa soạn cho buổi học sau. Nhìn cái dáng vẻ cần mẫn và trách nhiệm ấy, tôi tin rằng ông đã làm được nhiều hơn những gì ông nghĩ cho đất nước Việt Nam.

Và trên hết, có lẽ người Việt Nam đã quá bao dung để yêu thương ông vượt qua ranh giới của sắc tộc và màu da, vượt trên những hận thù quá khứ để hướng tới những điều tốt đẹp. Và dù, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, người ta không thể cứ hồn nhiên gây ra lỗi lầm rồi lại miệt mài tìm cách chuộc lại nhưng có lẽ, hối cải còn hơn không, sau những cố gắng bù đắp đó cũng đủ để đến lúc người lính già ấy tự tha thứ được cho chính mình.

Hàn Phi Yến