Thứ hai, 24/10/2016, 14h02

Lớp học trải nghiệm hấp dẫn học sinh miền núi

Học sinh ở tỉnh miền núi Lào Cai hàng ngày đang được học những giờ học trải nghiệm sáng tạo mà với phụ huynh và học sinh ở thành phố còn là ước mơ xa vời.
Thoát khỏi gò bó
Đến Trường tiểu học Bản Xèo, H.Bát Xát tỉnh Lào Cai vào giờ học chính khóa, dễ dàng được mục sở thị từng nhóm học sinh say sưa với học tập ở mỗi góc... sân trường.
Một giờ học mỹ thuật ngoài trời của Trường TH Hoàng Văn Thụ /// Ảnh: Tuệ Nguyễn
Một giờ học mỹ thuật ngoài trời của Trường TH Hoàng Văn Thụ- Ảnh: Tuệ Nguyễn
“Không phải giờ ra chơi đâu, các con đang có những tiết học ở ngoài trời đó ạ”, một giáo viên giải thích khi thấy vẻ tò mò của chúng tôi. Dưới tán cây xanh, một lớp học sinh học vẽ, trong một góc nhà chòi ở sân trường là giờ tập đọc của một lớp khác.
Hiệu trưởng Trần Viết Hưng cho biết: “Từ năm học 2011- 2012, thực hiện dạy và học theo phương pháp mới, lớp học không còn bị bó buộc trong không gian 4 bức tường của phòng học mà đã “bung” ra cả ở sân trường. Điều này khiến các em học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số, thích nghi rất nhanh. Dạy và học ở ngoài trời theo mô hình làm việc theo nhóm, khi một tình huống đưa ra, các nhóm sẽ vận dụng vào thực tế để tìm ra câu trả lời đúng nhất, hay nhất và thiết thực với cuộc sống nhất”.
Lớp học được bố trí trong nhà chòi bây giờ không còn chỉ dành cho môn âm nhạc hoặc mỹ thuật, mà các tiết học toán hoặc tiếng Việt cũng được tổ chức ở đây. Một không gian thoáng mát dễ chịu, kết hợp với phong cảnh thiên nhiên đẹp, tạo cho các em có nhiều cảm hứng và tiết học đã thu được kết quả rất tốt.
Sùng Thị Lang, một học sinh lớp 5 cho biết: “Giờ học nào bây giờ cũng vui hơn, dễ hiểu bài hơn nhờ có nhiều hoạt động, nên chúng em không còn sợ học như trước”.
Gắn bài học với trải nghiệm thực tiễn
Người dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình, lớp học của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, P.Cốc Lếu, TP.Lào Cai, không phải là Ban giám hiệu hay giáo viên, mà chính là các em học sinh. Vừa đi, các em vừa giới thiệu, thuyết trình về hoạt động học tập của trường tự tin, mạch lạc đến mức… kinh ngạc.
Bà Bùi Thị Kim Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Rất nhiều trường, nhiều địa phương trong cả nước đã đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm của trường và từ lâu, chính các em là những “hướng dẫn viên nhí” cho các đoàn. Ban giám hiệu và giáo viên chỉ là người… đi theo và hỗ trợ nếu cần.
Bà Chi cho hay, ít ai biết, để học sinh tự tin như vậy không phải qua một khóa học kỹ năng sống hay thuyết trình nào, mà là nhờ đổi mới các phương pháp hoạt động giáo dục nhà trường áp dụng hàng ngày. Nhiều chuyên đề học gắn với trải nghiệm thực tiễn như: nội trợ, thủ công nghiệp, kinh doanh, nông nghiệp…. Ví dụ, ở cấp tiểu học, HS được đóng vai đầu bếp, đi chợ mua đồ theo chỉ dẫn, chăm sóc cây xanh; ở phạm vi kinh doanh thì các em tổ chức hội chợ, mỗi lớp một tuần đăng ký tổ chức các hoạt động ở khu vực căng tin của trường để bán các thực phẩm… “Trong mỗi giờ học hay hoạt động giáo dục, các em được chủ động học tập, thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm, trình bày ý kiến trước lớp. Giáo viên với vai trò là người lắng nghe, nhận xét và hướng dẫn khi HS của mình gặp khó khăn. Nhờ vậy, các em đã hình thành được kỹ năng tự chủ và quen với việc thuyết trình, trả lời trước đám đông”, bà Chi cho biết.
Là người có hai con theo học hai mô hình khác nhau, con lớn học theo mô hình truyền thống, con nhỏ học theo mô hình trường tiểu học mới, chị Thu, Phó hội trưởng hội phụ huynh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết, bản thân chị nhận thấy rất rõ sự khác biệt từ các con. Mô hình học mới giúp con chị phấn chấn. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui không còn là khẩu hiệu suông nữa”, chị Thu nói.
Bà Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết: Ở bậc tiểu học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm hình thành những thói quen tự phục vụ, kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp cơ bản cho học sinh. Năm học 2016 -2017 và những năm tiếp theo, tất cả các trường trong toàn tỉnh Lào Cai tiếp tục xây dựng mô hình giáo dục hiệu quả như đã nêu trên.

Tuệ Nguyễn (TNO)