Thứ hai, 20/4/2009, 15h04

Lớp học trong góc bếp

Theo hướng chỉ tay của một nông dân Khmer chưa nói rành tiếng Việt, xe chúng tôi khó khăn lắm mới len lỏi qua được những bờ ruộng để đến ngôi chùa Khmer cổ kính, nằm sâu tít bên trong những ruộng lúa rực vàng và những ngọn thốt nốt đang mùa cho trái. Từ ngoài sân đã nghe tiếng lanh lảnh đọc thơ của đám trẻ con
Lớp học trong góc bếp
Không chỉ dạy chữ, Sóc Sanne còn chăm sóc cho các em như một người mẹ, dạy các em biết ngoan, biết hiếu thảo, yêu kính ông bà…
Tôi bước sâu vào trong, hiện dần ra trong góc bếp mù mù khói là những gương mặt lem luốc, mắt xoe tròn đang cố đọc thật diễn cảm, thật đúng âm bài thơ Chú bộ đội. Ngồi giữa vòng tròn là một cô gái trẻ, cũng đang cố hết sức để hướng dẫn các em đọc thật đúng những âm khó đọc trong bài thơ. Thỉnh thoảng, cô lắng nghe và dừng lại sửa cách phát âm cho từng em một. Những lời giải thích được nói bằng tiếng Khmer réo rắt.
Lớp học của Neáng Sóc Sanne có 33 em nhỏ thì đã có 31 em là người Khmer, hai em còn lại chỉ có cha hoặc mẹ là người Việt, là con em của các gia đình nông dân nghèo khó trong vùng. Tất cả đều nói tiếng Việt một cách khó khăn và càng khó khăn hơn để hiểu những gì được nói bằng tiếng Việt. Hỏi thăm thì mới biết, lớp học này là một điểm trường thuộc trường mẫu giáo Ô Lâm (thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Sáu năm trước, ngày Sanne bắt đầu đi dạy, dẫu có nhiều thuận lợi hơn các giáo viên khác vì có thể dễ dàng truyền đạt đến học sinh bằng chính ngôn ngữ của các em nhưng Sanne đã nhiều lần rơi nước mắt vì bất lực trước đám trẻ nhỏ. “Có mỗi câu chào hỏi, dạ thưa bằng tiếng Việt mà dạy mãi cũng không xong, nhắc hoài cũng không nhớ!”, Sanne “ấm ức” kể lại.
Trong khói bếp nhà chùa, giọng kể bằng tiếng Việt của Sanne chậm rãi, truyền cảm, hết một câu, Sanne dừng lại giải thích bằng tiếng Khmer. Những gương mặt đen đủi nghệch ra, há hốc, lắng nghe như nuốt từng lời. Trong cái khoảnh khắc ấy, trong gian bếp âm u ấy, tôi thấy gương mặt khắc khổ và đôi mắt buồn của Sóc Sanne như bừng lên hạnh phúc…
Neáng Sóc Sanne hiếu thảo
Sáu tuổi, Sanne theo cha đẩy xe hàng cho các hiệu buôn trong thị trấn, lớn hơn chút nữa thì đi giúp việc trong quán ăn. Cả nhà vắt sức mình ra làm thuê mà cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám. Sanne cũng không hiểu vì sao dù nghèo như thế nhưng ba mẹ vẫn cố gắng cho đứa con gái duy nhất được đến trường. Rồi tai hoạ ập đến. Trong một lần đi cắt cỏ, mẹ Sanne bị mảnh chai cắt đứt gân chân, chút tiền bạc ít ỏi trôi vèo theo những tháng ngày nằm viện, miếng ruộng nhỏ xíu, tài sản duy nhất của cả gia đình cũng phải đem cầm để chữa trị mà chân bà vẫn không khỏi khập khiễng. Bà mất sức lao động từ đó. Người cha không bao lâu sau cũng ngã bệnh, tưởng phải qua đời vì chứng xơ gan cổ trướng. Chạy thầy chạy thuốc khắp nơi trong thiếu thốn và vô vọng, may mắn sao, ông vẫn còn ở lại được với đứa con gái nhỏ của mình. Một mình Sanne phải chạy lo thuốc thang cho cha mẹ, lo cơm gạo cho cả nhà. Thương đứa con gái nhỏ một mình phải gánh vác hai người già bệnh tật, mẹ Sanne lặng lẽ lên chùa, xin làm Phật sự, ăn cơm nhà Phật (mà trong thâm tâm bà là để con gái nhẹ gánh lo toan)… Mắt Sanne rưng rưng nước khi nhớ lại cái ngày tháng gian nan.
Từ bé, Sanne đã muốn được làm cô giáo mầm non. Trong những giấc mơ sau những ngày làm lụng mỏi mệt đến rã người, Sanne thấy mình được đi dạy học, được hát múa, được chăm sóc các em nhỏ. Chính giấc mơ ấy đã thúc giục Sanne vay mượn tiền bạc, cố gắng học ôn rồi thi vào sư phạm mầm non. Rồi chính mong muốn được ở lại lâu hơn với nghề đã khiến cô giáo nghèo không có một thứ gia sản nào đáng giá ấy nộp đơn vay tiền để đi học đại học từ xa. Con đường đến với nghề của Sanne oằn nặng trên đôi vai gầy, một bên là sự hiếu thảo, một bên là ánh mắt ngây thơ của đám học trò nghèo. Đã bước qua tuổi 30 khá lâu, Sóc Sanne vẫn chưa dám nghĩ tới một hạnh phúc cho riêng mình. Cô chăm sóc học trò, lấy những giờ lên lớp làm niềm vui. Hàng ngày, ở cái góc bếp bé nhỏ nơi cửa Phật ấy, Sanne vẫn âm thầm gieo mầm cho những ước mơ bé nhỏ len lén vươn xa…
bài và ảnh Bích Uyên (Theo SGTT)