Thứ hai, 3/10/2011, 09h10

Lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long: Ngành giáo dục ứng phó thế nào?

Nhiều HS vẫn vô tư không mặc áo phao lên đò tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ
Hiện nay, tại hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp, nước lũ kết hợp triều cường và mưa bão đã làm vỡ nhiều tuyến đê, nhấn chìm hàng ngàn héc ta lúa, gây ngập sâu, làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông… và hàng ngàn nhà cửa, trường học bị nước lũ nhấn chìm. Đáng lo ngại hơn, tính đến chiều 1-10, nước lũ đã làm 8 người chết, trong đó có 4 HS…
Cố gắng duy trì dạy và học
Dù phải đối đầu với rất nhiều khó khăn nhưng ngành GD-ĐT của tất cả các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL đều nêu cao quyết tâm: Cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì việc dạy và học, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho HS các cấp.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ngoài những trường mầm non, mẫu giáo tại năm huyện đầu nguồn có đê bị vỡ phải đóng cửa, toàn tỉnh có 300 trường tiểu học và 100 trường THCS cũng ngừng hoạt động từ ngày 29-9 đến khi nước lũ rút. Tuy nhiên tất cả trường THPT và các trường học trong TP.Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc và những khu vực không bị ảnh hưởng nhiều do bão lũ vẫn hoạt động bình thường. Tỉnh đã thành lập gần 400 điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn cho các cháu…
Tại tỉnh An Giang, mực nước đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Ngày 1-10, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, có năm điểm trường gồm 22 lớp với 609 học sinh ở các huyện Châu Phú, Châu Thành và Chợ Mới phải tạm nghỉ học do bị ngập lũ. Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang Nguyễn Thanh Bình hầu như có mặt xuyên suốt tại những huyện đầu nguồn để kiểm tra tình hình học tập, động viên thầy và trò, tặng hàng ngàn tập vở cho những điểm trường bị ảnh hưởng nặng bởi lũ.
Tại tỉnh Hậu Giang, dù các huyện đầu nguồn Châu Thành và Châu Thành A bị vỡ đê, nước ngập sâu nhiều tuyến đường và nhà dân, một số trường cũng bị nước tràn vào nhưng chưa trường nào phải đóng cửa.
Tại TP.Cần Thơ, dù nước lũ kết hợp triều cường dâng cao làm ngập sâu nhiều tuyến đường nông thôn nhưng 100% trường học vẫn hoạt động và an toàn.
Lên kế hoạch đối phó lũ lớn
Vấn đề quan trọng nhất trong việc duy trì việc học trong mùa lũ ở ĐBSCL là làm sao bảo vệ được an toàn tính mạng cho HS. Thực tế trong những ngày qua cho thấy đã có một số HS bị chết trong cơn lũ. Năm nay, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố đều có công văn yêu cầu nhà trường phải nhắc nhở phụ huynh tuyệt đối không cho con tự đi đò đến trường; các em HS mầm non, lớp 1, 2 phải có phụ huynh đưa rước. Ngành giáo dục cùng chính quyền địa phương trực tiếp kiểm tra các phương tiện lưu thông thủy, không để xảy ra tình trạng quá tải khiến đò chìm.
Tỉnh An Giang có gần 20 điểm trường mà đường đến trường bị ngập sâu, gần 4.000 HS đi học bằng đò, ghe, trong đó 2/3 HS đã có áo phao do Sở GD-ĐT trang bị từ kinh phí vận động nhiều nguồn. Còn khoảng 1.500 em chưa có. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cho biết: “Đối với những HS chưa có áo phao, chúng tôi bắt buộc các em phải mang theo can nhựa khi đi học. Sở GD-ĐT quy định: Để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, những HS đi học bằng đò, ghe, nếu không mang theo áo phao hoặc can nhựa, nhà trường phải thông báo phụ huynh và nếu tái phạm, trường cương quyết không cho các em vào học. An Giang phấn đấu 100% HS đi học bằng đò sẽ được trang bị áo phao. Tại 10 xã mà các tuyến đường giao thông bị ngập rất sâu, chính quyền kết hợp hội phụ huynh HS tổ chức đò đưa đón các em”.
Tại TP.Cần Thơ, lũ cũng đang đe dọa các huyện, quận đầu nguồn gồm Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt. Một trong những điều đáng lo nhất là: qua khảo sát, hơn 51% HS tiểu học của thành phố chưa biết bơi, trong khi rất ít HS được trang bị áo phao. Dù Sở GD-ĐT Cần Thơ yêu cầu các trường phải đảm bảo HS lớp 1 và 2 có phụ huynh đưa đón nhưng thực tế nhiều nơi phụ huynh vẫn để con đi học một mình. Nhiều bến đò, nước sông dâng cao kết hợp mưa bão nhưng hầu như không HS nào mang theo áo phao hoặc phương tiện cứu hộ. Thầy Nguyễn Văn Đàng, Hiệu trưởng Trường TH Trung Hưng I (huyện Cờ Đỏ) lo lắng: “Trường có hơn 60 HS đi học bằng đò nhưng chỉ 25 em có áo phao”. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cờ Đỏ băn khoăn: “Thời gian qua, hầu như mùa lũ năm nào Cờ Đỏ cũng có trẻ chết đuối. Năm nay dự báo lũ lớn nhưng huyện là nơi tập trung bà con dân tộc Khmer. Đa số bà con có kinh tế khó khăn nên việc đưa đón con em đến trường cũng ít được quan tâm”. Theo ông Nguyễn Quý Đôn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT thì, Cần Thơ đang chuẩn bị “hứng” đỉnh lũ cao như năm 2000. Sở đã đề nghị các đơn vị ngừng những hoạt động ngoại khóa trong thời gian lũ diễn ra. Hướng dẫn việc đi lại và đến trường an toàn cho HS. Đối với các vùng địa bàn phức tạp có nguy cơ sạt lở đất, tùy tình hình, nhà trường cần bàn bạc với phụ huynh và có sự thống nhất với chính quyền địa phương về kế hoạch cho HS nghỉ lũ, nhằm tránh những rủi ro cho các em khi đến trường.
Bà Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng cho biết: “Sở chỉ đạo tất cả trường học, kể cả các trường tạm đóng cửa, phải phân công giáo viên trực và báo cáo tình hình của trường về sở 2 lần/ngày. Chúng tôi cũng chỉ đạo phòng giáo dục các huyện đã cho HS nghỉ học phải phối hợp địa phương để nước rút tới đâu làm vệ sinh tới đó, tạo môi trường thông thoáng, sạch sẽ, đón HS đi học lại, đồng thời có phương án bố trí thời gian học bù cho các em”.
Bài, ảnh: Đan Phượng