Thứ tư, 30/9/2009, 14h09

Lứa tuổi học đường: Chế độ dinh dưỡng còn bất hợp lý

Cần bổ sung vitamin và các khoáng chất cho học sinh vì bữa ăn không cung cấp đủ

Tại Hội thảo “Vai trò của 9 vitamin và 6 khoáng chất trong việc cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia (VDDQG) và Công ty Kraft food tổ chức mới đây, TS. Lê Nguyễn Bảo Khanh – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường VDDQG đã khẳng định: “Chiều cao, cân nặng của các em học sinh luôn thấp hơn kích thước mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Tuổi càng cao thì khoảng cách càng rõ rệt…”.
Bữa ăn chỉ đáp ứng được trên 60% nhu cầu năng lượng
Theo TS. Bảo Khanh, 1/3 dân số nước ta nằm trong lứa tuổi học đường (LTHĐ). Các em đang phải chịu gánh nặng của học tập và sự sai lầm về chăm sóc sức khỏe cho con cái của người. Các ông bố, bà mẹ thường cho rằng các em đã lớn, đã tự biết chăm sóc sức khỏe nên không quan tâm đến việc ăn uống của các em. Trong khi đó, LTHĐ đang ở giai đoạn phát triển nhanh về thể chất. Hậu quả, cả cân nặng và chiều cao, đặc biệt là trẻ ở nông thôn luôn thấp hơn mức khuyến nghị của WHO. Ở thành phố có 14% trẻ LTHĐ suy dinh dưỡng, ở nông thôn là 36%. Từ 6 tuổi trở đi, chiều cao của trẻ càng không đúng theo chuẩn của WHO.
“Nghiên cứu gần đây của VDDQG trên 218 trẻ từ 0 – 18 tuổi cho thấy, mức tăng cân của trẻ em Việt Nam trong 3 tháng đầu đời không khác với tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí còn cao hơn nhưng sau đó kém dần. Có 2 thời kỳ sự thua kém biểu hiện cao nhất là từ 6 – 12 tháng và 6 – 11 tuổi (lứa tuổi tiểu học). Điều này cho thấy việc cải thiện dinh dưỡng không chỉ quan trọng ở những năm đầu mà nó phải là một quá trình liên tục. Trong đó những năm LTHĐ cũng đóng vai trò thiết yếu, không kém tuổi tiền học đường”, TS. Bảo Khanh nhấn mạnh.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do cách nuôi dưỡng. Nghiên cứu khẩu phần ăn của nhóm trẻ LTHĐ cho thấy mức đáp ứng nhu cầu năng lượng chỉ bằng 61,9%, vitamin A là 45,8%, vitamin C là 56,7%, sắt là 48% và protein là 95% so với khuyến cáo của Bộ Y tế.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
PGS.TS. Lê Bạch Mai – Viện trưởng VDDQG cho rằng: “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ nên cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Với trẻ từ 4 – 6 tuổi, trung bình mỗi ngày cần 1.470 kcal, từ 7 – 9 tuổi là 1.825 kcal. Năng lượng ăn vào phải lớn hơn năng lượng tiêu hao”…
Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ ở LTHĐ, cụ thể là học sinh tiểu học được cụ thể như sau: nhu cầu glucid từ 61 – 70% tổng năng lượng, trong đó đường tinh chế không quá 10%. Nhu cầu chất xơ tối thiểu là 14g/1.000 kcal, nhu cầu các chất khoáng và vitamin như canxi (mg) là 700, sắt (mg) là 11,9, vitamin A (mcg) là 500, vitamin D (mcg) là 5…
“Với một khẩu phần ăn bình thường thì không thể đáp ứng được. Bằng chứng là có tới 28% học sinh bị thiếu máu do thiếu sắt, 3% bị thiếu iốt, rất nhiều HS thiếu vitamin A. Vì vậy cần phải triển khai hoạt động can thiệp lồng ghép về dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng – sức khỏe trong trường học. Cụ thể, đưa giáo dục dinh dưỡng thành nội dung ngoại khóa; thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng cho học sinh bằng các loại bánh quy, sữa; tiến hành chăm sóc sức khỏe thiết yếu như tẩy giun, vệ sinh…”, TS. Bảo Khanh nói.
“Phòng chống thiếu vi chất và dinh dưỡng hợp lý cho trẻ học đường là giải pháp tốt để cải thiện tầm vóc, khả năng học tập của trẻ và chủ động dự phòng, kiểm soát các bệnh mạn tính không lây” – PGS.TS. Bạch Mai khẳng định.
Tại hội thảo, VDDQG đã trao chứng nhận cho bánh quy Tiger của Công ty Kraft food với công thức enermaxx chứa 9 vitamin và 6 khoáng chất theo tiêu chuẩn kiểm tra dinh dưỡng của viện.
Bài & ảnh: Minh Anh