Thứ ba, 12/9/2017, 10h33

Lúng túng đào tạo liên thông

Sau gần 15 năm thực hiện liên thông, việc thiết kế chính sách này vẫn thiếu đồng bộ và bị làm méo mó bởi sự buông lỏng quản lý chất lượng của cơ quan quản lý và của các cơ sở đào tạo.

Thí sinh nộp hồ sơ liên thông vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh nộp hồ sơ liên thông vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bằng liên thông không được coi trọng

Liên thông được thực hiện thí điểm từ cuối năm 2002, giúp cho nhiều người học nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng lao động, giúp giải quyết các bài toán xã hội về thất nghiệp và việc làm. Tuy nhiên, người sử dụng lao động không mặn mà với nhân lực được đào tạo liên thông, xã hội không có lòng tin vào một chính sách tốt. Điều này do đâu?
Nguyên nhân đầu tiên có thể thấy là hệ thống thiếu các tiêu chuẩn đầu ra ở mỗi trình độ trong một ngành, nghề nào đó, đi kèm là các điều kiện đảm bảo chất lượng cho các chuẩn đầu ra đạt được trên thực tế. Vì không xác định tương đối rõ ràng về mục tiêu đào tạo (độ rộng, sâu của kiến thức, kỹ năng) ở mỗi trình độ nên việc công nhận miễn trừ chỉ chú ý nhiều đến nội dung và thời gian đào tạo, bỏ qua việc đối chiếu các mục tiêu học tập (hoặc chuẩn đầu ra), cách tổ chức đào tạo ở mỗi cơ sở, các điều kiện thực hành thực tập... Thành ra lãnh đạo một trường CĐ y tế ở ĐBSCL nói rằng bây giờ dạy liên thông từ trung cấp lên CĐ không biết dạy thêm gì.
Bên cạnh đó, do tài chính giáo dục ĐH eo hẹp, quản trị chất lượng lỏng lẻo, đã có hiện tượng nới lỏng các chuẩn mực tuyển sinh, thiết kế các khóa học bắc cầu, hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá trong quá trình đào tạo nhằm tạo sức hút tuyển sinh ở đầu vào để tăng nguồn tài chính, từ đó dẫn đến chất lượng đào tạo xuống thấp. Về phía người học, rõ ràng có tâm lý và động cơ học tập là chỉ nhắm đến văn bằng mà không hướng đến trình độ hoặc năng lực nghề nghiệp, nên dễ chấp nhận, đồng thuận với việc buông lỏng chất lượng.
Điều đó khiến cho nhà tuyển dụng và xã hội không đánh giá cao, không coi trọng tấm bằng liên thông ĐH.
Thi các môn văn hóa là sai
Việc thiết kế cơ chế tuyển sinh quá nhấn mạnh đầu vào bằng cách cho người tốt nghiệp trung cấp phải thi 3 môn văn hóa theo tổ hợp môn xét tuyển vào ngành muốn liên thông là cách làm không phù hợp về khoa học sư phạm và triết lý học tập suốt đời. Với những người lao động đã ra trường sau một vài năm hoặc hàng chục năm, do nhu cầu công việc muốn nâng cao trình độ thì việc thi tuyển này là một thách thức. Thêm vào những thay đổi của chương trình giáo dục, cách thức thi tốt nghiệp khiến người học càng gặp khó khăn nếu muốn học liên thông.
Đó là chưa kể việc thí sinh liên thông học chung với sinh viên ĐH vốn có năng lực học tập hơn hẳn, lại cùng tiến độ học tập, thì hoàn toàn không hợp lý về nguyên tắc sư phạm. Với mỗi nhóm đối tượng khác nhau cần có chiến lược, phương pháp, tiến độ dạy học khác nhau thì mới thành công.
Cần đánh giá khoa học hơn
Lẽ ra sau một số năm đào tạo thí điểm, cần có đánh giá nghiên cứu chất lượng và hiệu quả của chính sách, cơ chế thì chúng ta không làm. Tại sao thi môn này hay môn kia, tại sao thi đầu vào chung với thi tốt nghiệp THPT? Tỷ lệ có việc làm hoặc giữ được việc làm, thăng tiến sự nghiệp, không được tuyển dụng sau khi học liên thông ra sao? Việc không có nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách là một lỗ hổng khá lớn của những người làm chính sách pháp luật giáo dục.
Giải pháp đưa ra là phải phân cấp triệt để cho các cơ sở giáo dục trong việc ký kết những thỏa thuận về liên thông, cam kết chất lượng và công nhận lẫn nhau cũng như trách nhiệm giải trình về chất lượng. Việc siết chặt bằng cách thi chung với kỳ thi tốt nghiệp THPT cần có lý giải khoa học hoặc cần loại bỏ; thay vào đó là hệ thống kiểm soát chất lượng ngặt nghèo hơn nhằm bảo vệ lợi ích của người học.

TS Hoàng Ngọc Vinh 
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)