Thứ năm, 4/5/2017, 21h52

Luôn thấy thời gian quá ít để cống hiến

Từ một GV dạy giỏi sau đó là Bí thư chi đoàn GV, đã hơn 30 năm gắn bó với công tác quản lý giáo dục có vui buồn sướng khổ nhưng cô Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường TH Cổ Loa, Q.Phú Nhuận vẫn cảm thấy thời gian quá ít ỏi để cống hiến thêm nữa cho ngành GD-ĐT TP.HCM.

Nhà giáo Nguyễn Thị Lan Hương cùng với các em HS 

Nếu tính từ ngày bước chân vào trường sư phạm, nhà giáo Nguyễn Thị Lan Hương đã có thời gian 35 năm dồn tất cả sức lực tâm huyết để nỗ lực học tập và làm việc. Niềm tự hào của cô là có được quãng thời gian dài cống hiến và xây dựng tốt một môi trường quản lý và lãnh đạo ở những nơi mình từng công tác.

Thành tích chung có công lao hiệu trưởng

Năm 2017, Trường TH Cổ Loa tổ chức Hội chợ xuân Tết Đinh Dậu với nhiều sắc màu mới. Bên cạnh các gian hàng ẩm thực, khu vui chơi hội chợ xuân còn mở thêm chương trình Nghĩa tình yêu thương vận động quyên góp kinh phí giúp đỡ các bạn HS khiếm thị. Chỉ trong một buổi sáng toàn trường đã quyên góp tổng số tiền lên đến gần 10 triệu đồng gửi về Trung tâm Nhân đạo và tạo việc làm trẻ em khuyết tật Việt Nam. Có được món quà lớn lao đó trước hết là nhờ sáng kiến của nữ Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Hương - người đã đích thân đứng ra kêu gọi và vận động những tấm lòng từ thiện từ HS và phụ huynh.

Với danh hiệu Đơn vị văn hóa 5 năm liền, Tập thể lao động xuất sắc 5 năm liền, trường đạt chuẩn quốc gia, được Bộ GD-ĐT, UBND TP, UBND quận trao nhiều Bằng khen, Trường TH Cổ Loa xứng đáng là một trong những ngôi trường nổi bật của ngành GD-ĐT Phú Nhuận. Bên cạnh bàn tay đóng góp của tập thể đội ngũ cán bộ, GV trường không thể nào quên được công sức mà cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Hương dày công bỏ ra trong 10 năm. Nhìn lại một thập niên trước bây giờ mới thấy bộ mặt của ngôi trường trong chung cư Nguyễn Đình Chiểu nằm cuối con đường Lê Tự Tài từng ngày thay da đổi thịt. Mang tiếng là trung tâm quận nhưng HS thuộc P.4 hầu hết vẫn là con em người dân lao động khó khăn nhiều bề, sĩ số cũng có khi không ổn định do lượng HS tạm trú thay đổi. Nếu không có thầy cô vận động ra lớp thì khó có được nền nếp như hiện nay.

“Cô hiệu trưởng của chúng em!”

Có lẽ chưa bao giờ cô Lan Hương gắn bó với trường như bây giờ. Mỗi lần ra nhìn ngắm đàn em vui đùa, học tập trong môi trường giáo dục tốt, cô lại bồi hồi nhớ tới những ngày chập chững vào nghề như những thước phim cuộc đời quay chậm: “Năm 1985 sau khi ra trường, tôi được điều động về dạy tại Trường cấp 1 Thái Bình thuộc xã Long Bình. Xã Long Bình lúc bấy giờ là huyện Thủ Đức rất nhiều khó khăn, trường chia ra 4 cơ sở nhỏ lẻ thiếu thốn mọi thứ. Chưa có nhà tập thể hầu hết thầy cô phải ở trọ nhà dân, cuối tuần mới chạy xe đạp về nhà trong TP. Không chỉ lo dạy chữ, thầy cô còn phải lo vận động các em ra lớp, xuống nhà dân xóa mù chữ nhất là vào mùa vụ”. Thế nhưng, đây là nơi thầy cô nhận được những tình cảm thân thương nhất từ tấm lòng chân thật của các em HS. “Lễ tết, 20-11 có quà gì các em tặng nấy từ bó hoa bông bụt đến củ khoai con gà rất thật tình” - cô Hương nhớ lại.

Năm 1993, về công tác tại Trường TH Vạn Tường cũng là một thách thức đối với Phó Hiệu trưởng và sau này là Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Hương khi cơ sở vật chất quá khó khăn. Trường lớp chật hẹp, phòng ốc thiếu quy cách rất khó cải tạo. Đó cũng là lý do để cho những phụ huynh HS có điều kiện hơn sẵn sàng đi tìm trường khác cho con em mình học tập. Thế nhưng tin vào bản lĩnh lãnh đạo của mình, “nữ thuyền trưởng” Lan Hương không hề ngại khó cùng đồng cam cộng khổ với tập thể GV xây dựng được khối đoàn kết bền vững trong suốt 14 năm dài. Khối đoàn kết nhất trí đó đã được cô kết nối thành công trong cả 2 nhiệm kỳ tại Trường TH Cổ Loa. Trong hơn 30 năm công tác, cô đã đem đến một hình ảnh vô cùng cao đẹp - hình ảnh một nữ thủ lĩnh đầy tâm huyết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, luôn học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài học quản lý mà cô có được để “giải mã” cho mọi hiệu trưởng là ngoài tinh thần trách nhiệm điều kiện không thể thiếu là lòng thương yêu chân thành với HS và đồng nghiệp. Có trái tim nhân hậu và rộng mở thì bất cứ việc gì khó khăn cũng có thể làm được. Với HS, dù hiệu trưởng cũng phải thân thiện, gần gũi để làm cầu nối thấu hiểu tâm lý lứa tuổi để từ đó đưa ra giải pháp thích hợp. Theo cô, rèn được thói quen cho các em đã khó, thuyết phục vận động tập thể GV cùng một hướng nhìn, cùng hành động lại càng không hề dễ. Muốn vậy nhà quản lý cần có sức thuyết phục mạnh mẽ từ tấm gương sáng của bản thân. Vì thế trong 24 năm quản lý, các đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm mà cô viết ra đã trở thành giải pháp hữu ích trong công tác quản lý trong trường học trước nhu cầu đổi mới của ngành.

Với những đóng góp trong quá trình công tác, nhiều năm liên tục nhà giáo Nguyễn Thị Lan Hương đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, tuyên dương điển hình dân vận khéo, Bằng khen UBND TP, Bằng khen của Bộ GD-ĐT. Hình ảnh đẹp của cô đã chiếm được cảm tình nhiều thế hệ HS của trường luôn được các em HS nhỏ tuổi lễ phép thân mật chào: “Cô hiệu trưởng của chúng em!”, “Cô hiệu trưởng xinh đẹp của tụi con!”. Đó là tiếng gọi thân thương trìu mến mà mỗi ngày cô bắt gặp được khi ở trường trong niềm hạnh phúc dâng trào.

Bài, ảnh: Hương Thủy