Thứ năm, 8/12/2016, 20h56

Lưu giữ ánh sáng văn hóa đọc

Hằng năm, Tổ bộ môn ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) hay tổ chức các buổi giao lưu giữa những nhà văn nổi tiếng với học sinh chuyên văn của trường nhằm giúp các em có thêm cơ hội gần gũi với văn hóa đọc hơn.

Nhà văn Bích Ngân ký tặng sách cho các học sinh

Từng được gặp gỡ với một số nhà văn, nhà thơ nhưng vừa qua, hầu hết học sinh các lớp chuyên văn của trường (6 lớp thuộc 3 khối 10, 11 và 12) thật sự hào hứng khi tham gia chương trình giao lưu với hai nhà văn Lê Văn Nghĩa và Bích Ngân.

Điều thú vị là nhà văn Lê Văn Nghĩa (nguyên Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ) mấy chục năm trước cũng học tại nơi này, lúc đó trường còn mang tên Pétrus Ký - tiền thân của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay. Cuộc trò chuyện càng có ý nghĩa và cuốn hút học sinh hơn khi nhà văn Lê Văn Nghĩa giới thiệu truyện dài Mùa hè năm Petrus do ông viết. Có thể xem cuốn sách như một câu chuyện kể về ký ức xa xăm của các cô cậu học sinh trong ngôi trường nổi tiếng mang tên nhà văn, nhà giáo dục học Trương Vĩnh Ký với những buồn vui thời đi học. Mở trang sách ra, người đọc - đặc biệt là các thế hệ thầy trò đất Sài Gòn - Gia Định sẽ thấy bóng dáng thân yêu của mình trong đó dù câu chuyện kể đã lùi vào dĩ vãng cách đây nửa thế kỷ. Không chỉ được học cách đọc ở một góc nhìn mới, các học sinh còn học thêm được cách lựa chọn đề tài, cách xử lý tình huống và cách viết một tác phẩm dài hơi mà sách giáo khoa chưa bao giờ dạy đến. Ở từng câu chuyện hay mỗi nhân vật các em sẽ đồng điệu hơn những cung bậc cảm xúc của tác giả khi đứng trước trang viết. Đó chính là những cánh cửa đầu tiên hé mở để cho các học sinh chuyên văn bén duyên với sáng tác.

Em Lâm Hoàng Phúc (một học sinh chuyên văn của khối 12) đã không giấu được niềm vui khi được diện kiến hai nhà văn mà mình ái mộ. Vốn đã đọc Mùa hè năm Petrus nên Hoàng Phúc cảm thấy cuốn sách như một giấc mơ hồi ký để ngưỡng vọng, sau đó em xung phong đảm nhận vai trò người giới thiệu cuốn sách đến với bạn bè trong cuộc giao lưu. Tuy chưa phải là nhà phê bình nhưng Hoàng Phúc đã thẳng thắn đưa ra nhận định: “Tuy chỉ là những mẩu chuyện rời rạc, nhưng cuốn sách đã giúp chúng ta tìm về ngôi trường thân yêu để nương tựa như để khắc cốt ghi tâm dù sau này xa cách. Những trang sách viết về trường sẽ lấp đầy khoảng trống về ký ức. Không chỉ là để giải trí hay thư giãn, sách còn giúp người đọc biết trân trọng những kỷ niệm buồn vui của cuộc đời”. Trong khi đó, với nhà văn Bích Ngân, cuốn sách Thế giới xô lệch của chị lại giúp các học sinh có một góc nhìn mới về chiến tranh dù đã đi xa…

Cô Nguyễn Thị Yến Trinh (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ: “Chương trình không chỉ giúp học sinh được trò chuyện giao lưu với các nhà văn mà còn giúp các em thay đổi về nhận thức đối với tác phẩm văn học, văn hóa đọc và các loại sách báo, nhất là trong điều kiện văn hóa đọc hiện đang xuống cấp”. Theo cô Yến Trinh, qua cuốn sách Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa, người đọc càng hiểu hơn về hai thế hệ học sinh của nhà trường. Cùng phẩm chất thông minh, mến lớp yêu thầy nhưng mỗi thời kỳ thể hiện một bản lĩnh khác nhau.

Dẫu biết ngữ văn là môn học nhọc nhằn với nhiều trăn trở nhưng bù lại là sự giàu có về tri thức và cảm nhận. Hãy ấp ủ và nuôi dưỡng những trang sách mà các nhà văn dành tặng cho cuộc đời. Nếu sống đam mê thì tác phẩm sẽ sinh sôi và những trang viết sẽ không phụ bạc tác giả. Không cần chờ đợi cơ hội, đọc và viết mọi nơi mọi lúc sẽ giúp chúng ta trưởng thành. Ánh sáng văn hóa đọc sẽ chiếu rọi khắp nơi. Đó cũng là lời nhắn gửi của nhà văn Bích Ngân và cô Triệu Thị Huệ (Trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) với các học sinh chuyên văn - những người có thể là nhà văn trong tương lai.

Ngọc Quang