Thứ ba, 5/12/2017, 10h59

“Mã hóa” công thức công dân toàn cầu

Chủ động, tích cực trong ý thức trau dồi ngoại ngữ, kiến thức xã hội; cầu thị trang bị vốn kỹ năng mềm, xác định được niềm đam mê để dấn thân và không ngại dấn thân là những lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra trong chương trình “Kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu và thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Tân Tạo tổ chức ngày 4-12 tại Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (TP.HCM).

Ông Hà Thanh Tân (Giám đốc truyền thông và tuyển sinh của Trường ĐH Tân Tạo) trao đổi với các em học sinh tại chương trình

Chương trình đã mở ra những hiểu biết mới mẻ và thiết thực về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trang bị kỹ năng hội nhập cho hơn 400 học sinh trong trường. Đồng thời giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

“Sáp nhập” hai thế giới thật và ảo

Đây là nhận định của ông Hà Thanh Tân, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh của Trường ĐH Tân Tạo. Theo ông Tân, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai ở nhiều ngành nghề con người sẽ bị thay thế bởi máy móc, bên cạnh những thuận lợi còn mở ra những thách thức mới. Do đó đòi hỏi con người phải sáng tạo, phát triển hơn nữa, làm được những điều mà máy móc không làm được, nhất là trong những ngành nghề mà máy móc ít tiếp cận đến như du lịch, nhân văn.

Ông Tân cũng nhận định rằng, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết người trẻ phải là những công dân toàn cầu. “Không phải cứ ra nước ngoài học tập mới là công dân toàn cầu. Du học chỉ tạo điều kiện trong việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ và học cách tư duy sáng tạo của những nước tiên tiến. Ngay tại Việt Nam, các em vẫn có thể hội nhập để trở thành những công dân toàn cầu”, ông Tân nói.

Trước những thắc mắc của học sinh trong trường rằng bằng cách nào để ngay tại sân nhà vẫn có thể tự tin hội nhập với thế giới trong guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Tân khẳng định, các em phải học cách thế giới đang học. Hình thức du học tại chỗ và giáo dục khai phóng có thể giúp người học tiếp cận được với tư duy đặt vấn đề và suy nghĩ của các nước tiên tiến. Đặc biệt giáo dục khai phóng là phương pháp phổ quát nhất ở Mỹ, đào tạo theo hướng đa diện ở tất cả các môn học từ văn hóa, xã hội đến chuyên ngành, không đơn thuần là đơn diện như giáo dục truyền thống. “Tức là học một ngành vẫn có thể làm được nhiều nghề. Học kinh tế vẫn có thể làm được truyền thông, kinh doanh hay marketing”, ông Tân cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tân, dù bất cứ hình thức nào, khi đã xác định hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người học cần phải xác định được rõ mục tiêu của mình, chủ động và cầu thị trong tinh thần tự học. “Các em phải biết được đam mê của bản thân là gì, thế mạnh là gì, kỹ năng biến những điểm yếu thành điểm mạnh, trang bị vốn ngoại ngữ. Đó chính là công thức để hội nhập”, ông Tân nhắn nhủ.

Cam kết dấn thân theo lựa chọn

Một học sinh hỏi các chuyên gia: “Làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu?”

Công dân toàn cầu là thuật ngữ không còn xa lạ với người học trong thời đại công nghệ 4.0. Nhưng không phải người học nào cũng biết cách “mã hóa” bản thân để trở hành một công dân toàn cầu.

Đưa ra giải đáp cho câu hỏi của nhiều học sinh trước băn khoăn làm thế nào để có thể trở thành một công dân toàn cầu, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện quản trị tri thức (Sở KH-CN TP.HCM), cho rằng đầu tiên đó là ngoại ngữ. Song song với đó là một vốn kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, xử lý khủng hoảng, cách đặt vấn đề tư duy. “Các em phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là yếu tố tiên quyết để hiểu thế giới đang nói gì. Có một trình độ kiến thức chuyên môn và xã hội sâu rộng. Phải có một vốn kỹ năng mềm để giao tiếp, ứng xử với thế giới một cách chuyên nghiệp”, TS. Tùng chia sẻ.

“Khi đã xác định hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người học cần phải xác định được rõ mục tiêu của mình, chủ động và cầu thị trong tinh thần tự học”, ông Hà Thanh Tân (Giám đốc truyền thông và tuyển sinh của Trường ĐH Tân Tạo) nói.

Trong đó, TS. Tùng cho biết, kỹ năng làm việc nhóm, một văn hóa giao tiếp, tác phong làm việc chuyên nghiệp và tính cam kết trong công việc luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Đặc biệt, theo TS. Tùng, vốn kỹ năng mềm không phải được trang bị chỉ trong một sớm một chiều. Các em nên tham gia vào các hoạt động xã hội để tự mình bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn mình, rèn cách quản lý thời gian để không quá sa đà vào mạng xã hội.

Bên cạnh đó, TS. Tùng cũng nhấn mạnh với các em học sinh: Trong thời đại công nghệ 4.0, với một người công dân toàn cầu thì kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin là không thể thiếu. Đây là một trong những lợi thế để cạnh tranh làm thương mại điện tử. Cơ hội nghề nghiệp với ngành này trong tương lai cũng nhiều hơn, cao hơn, mở ra nhiều hướng phát triển cho bản thân các em.

Đưa ra lời khuyên sau cùng cho hơn 400 học sinh trong trường về công cuộc hội nhập trong thời đại công nghệ 4.0 và công thức trở thành một công dân toàn cầu, một lần nữa TS. Tùng nhắn nhủ: ‘‘Ngay từ bây giờ, các em hãy học tập một cách thật nghiêm túc, xác định đam mê của bản thân trước thách thức của thời cuộc để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Cam kết dấn thân theo lựa chọn ấy. Tự trang bị cho mình những vốn kỹ năng cần thiết để tự tin bước ra hội nhập với thế giới”.

Yến Quân