Thứ tư, 14/7/2010, 15h07

“Mài dao, mài kéo… đây!”

Anh Sâm cùng phương tiện hành nghề

“Mài dao, mài kéo, thay cán dao…” là những tiếng rao ít nhiều đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân thành phố. Tiếng rao ấy ngày một thưa dần vì nghề này đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”…
Nghề của mày râu
Nghề rèn ngày càng vắng khách, cả gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) với 7 miệng ăn đều trông chờ vào mấy sào ruộng của Nhà nước cấp. Các con đã đến tuổi đi học, cuộc sống gia đình đã khó lại càng khó khăn hơn. Năm 1989, Đoàn theo cha vào TP.HCM lập nghiệp bằng nghề mài dao, kéo khi chưa học hết lớp 10. Không lâu sau, cha anh mất vì một cơn bạo bệnh. Gia tài của cha để lại cho anh không có gì quý giá ngoài chiếc xe đạp cũ kỹ và bộ đồ nghề mài dao, kéo. Đó là bộ đồ nghề do chính cha anh làm lấy trước khi chính thức giải nghệ lò rèn. Anh Đoàn nhớ lại: “Từ ngày cha mất, tôi phải thay cha cáng đáng miếng ăn cho gia đình. Lúc ấy nghề này kiếm tiền được lắm, còn bây giờ có khi đạp xe cả ngày, rao khan cổ họng nhưng không mài được một con dao nào”.
Anh Đoàn thức dậy từ lúc 4 giờ 30 sáng đạp xe từ quận 12 đến trung tâm thành phố. Khách của anh là những bạn hàng quen biết từ thời cha anh còn sống. Anh Đoàn bật mí: “Cha tôi rất tỉ mỉ, ông có một cuốn sổ ghi chép cẩn thận tên, địa chỉ của khách và ngày đến mài dao để canh khoảng tháng sau thì quay lại. Nhờ vậy mà các bà nội trợ rất ưng bụng”.
Phương tiện hành nghề của anh Trần Sâm (thị trấn Phước An, huyện KrôngPăk, tỉnh Đăk Lăk) hiện đại hơn. Sinh ra ở mảnh đất Tây Nguyên trù phú nhưng gia đình lại không có một mảnh đất để cắm dùi. Năm 2003, khi vợ sinh đứa con đầu lòng được 5 tháng tuổi là cả nhà dắt díu nhau vào Sài Gòn mưu sinh. Anh Sâm kinh qua đủ thứ nghề từ mộc, nề đến bốc vác… nhưng công việc không ổn định. Được các em bà con bên vợ gom góp tiền mua cho chiếc xe máy để anh chạy xe ôm. Tưởng đã yên ổn làm ăn nhưng rồi anh bị tai nạn khi đang chở khách. Thương hoàn cảnh anh bệnh tật, anh em lao động trong xóm nhà trọ cho anh đi theo để học nghề mài dao, kéo. “Dù thu nhập không ổn định nhưng phù hợp với sức khỏe của mình. Hơn nữa, mình còn có chiếc xe máy nên đi lại cũng tiện” - anh Sâm nói.
Chỉ tay về hướng chiếc xe, anh Sâm khoe: “Có thằng bán bánh mì ở gần nhà trọ về quê luôn, nó tặng tôi dàn máy, nhờ vậy mà không phải rao bằng miệng. Bây giờ ra mua nó cũng tốn bạc triệu chứ có ít ỏi gì”. Âm thanh phát ra từ chiếc loa “Mài dao, mài kéo, thay cán dao…” nghe cũng mùi, da diết lắm. Cũng mất mấy đêm ròng, anh Sâm tự rao và thu băng mới cho ra được tiếng rao ấy.
Quyết giữ nghề!
“Thời buổi bây giờ, các bà nội trợ chuộng hàng ngoại. Chỉ cần nhấc điện thoại lên thì có người mang đến tận nhà một bộ dao với giá phải chăng. Họ xài một thời gian, dao lụt thì họ bỏ mua mới nên cái nghề của mình cũng bấp bênh” - anh Sâm tâm sự.
Anh Đoàn thuộc nằm lòng từng con hẻm nhỏ, đoạn đường đi về trong ngày bao xa. Có ngày anh đạp xe trên 50km. Nhìn cái bàn đạp xe chỉ còn trục sắt mòn sát, trắng bóng, đôi dép Lào cong vểnh lên cũng đã nói lên khoảng thời gian nó đồng hành cùng anh trên khắp nẻo đường. Với anh Đoàn, có thể kiếm được một công việc khác với thu nhập khá lại ít vất vả hơn nhưng anh không thể. “Vì cái nghèo mà cha tôi không thể giữ nghề rèn truyền thống của gia đình. Đó cũng là điều khiến ông day dứt mãi đến khi nhắm mắt. Dù khó khăn đến mấy tôi cũng phải bám nghề. Tôi sẽ làm đến khi không còn một ai cần” - anh Đoàn giãi bày.
Hơn 20 năm theo nghề, anh Võ Ngọc Hữu (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) không nhớ nổi mình đã gặp bao nhiêu tai nạn. Lần gần đây nhất xảy ra vào đầu năm 2010. “Hôm đó, tôi đang ngồi nghỉ bên đường Tôn Đản (quận 4), một thanh niên đến gọi về nhà mài cho mấy con dao cũ. Đang ế khách, nghe vậy nên tôi đi liền. Đến nơi mới tá hỏa vì chỉ toàn là mã tấu, dao Thái… “đồ nghề” của bọn đâm thuê chém mướn. Thấy vậy, tôi giả vờ đau bụng, không làm được nhưng liền bị một thanh niên gí dao vào cổ. Tôi làm cho chúng, không dám cãi nửa lời. Mất gần cả buổi chiều nhưng bọn chúng không trả một đồng, đã vậy còn dọa “nếu nói cho công an biết sẽ bị nát thây””.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

 

Nghề mài dao, kéo chỉ có thể hành nghề ở chốn thị thành. Coi đơn giản vậy nhưng nó rất kén người. Nhiều năm trước, người làm nghề này rất đông nhưng nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là dấu hiệu cho biết nghề này có nguy cơ bị “xóa sổ”.