Thứ ba, 29/8/2017, 10h14

Mạn đàm về vai trò của người giáo viên hướng dẫn trong xã hội hiện đại

Hiện nay có nhiều luồng ý kiến cho rằng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, Internet trở thành nguồn kiến thức vô tận, và máy vi tính sẽ dần thay thế vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại.

Luồng tư tưởng này có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều sinh viên mới chập chững vào đại học, bởi các bạn cho rằng ở bậc đại học, mối quan hệ thầy trò nói chung, quan hệ giữa sinh viên - giảng viên nói riêng sẽ trở nên mờ nhạt hơn, thiên về trao đổi kiến thức hàn lâm khô khan. Và một thực trạng đáng buồn là trong nhiều trường đại học của nước ta hiện nay, giảng viên đang đơn thuần cung ứng các dịch vụ của mình cho nhà trường và sinh viên, mà chưa ý thức được vai trò cố vấn của mình có ảnh hưởng lớn đến sự tiến bộ của các em.

Nghề giáo trong xã hội Đông và Tây hiện đại

Tư tưởng “Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc đôi khi vô tình trở thành rào cản khiến học sinh sinh viên tại các nước Á Đông bị thụ động trong việc hình thành mối quan hệ với giảng viên ở bậc đại học. Nhất là trong thời đại hiện nay, khi các bạn trẻ nhận thức ngày càng cao về cái tôi cá nhân thì khoảng cách thế hệ này cũng ngày càng nới rộng.

Trong các mô hình giáo dục Liberal Arts (Giáo dục Toàn diện) của Hoa Kỳ, vai trò của giảng viên không còn giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, hay những giờ thuyết giảng dài dằng trên giảng đường. Các giảng viên còn là một hình mẫu về đạo đức, tư cách để mỗi sinh viên noi theo. Có vậy, thì trong lời nói, cử chỉ, và hành động mới có tính thuyết phục với sinh viên, và người giáo sư hướng dẫn sẽ trở thành kim chỉ nam dẫn đường và nâng đỡ các sinh viên trong suốt thời gian trên ghế nhà trường. Các giáo sư hướng dẫn này đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự thành công và chất lượng đào tạo trong mỗi sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.

Rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò

Thật vậy, di sản mà người làm giáo dục ngày nay để lại cho học sinh không chỉ có kiến thức. Giáo viên phải trở thành tượng đài lớn về tư cách. Người học sẽ rèn giũa bản thân mình một cách tự nhiên, thông qua sự quan sát từ người hướng dẫn, dạy dỗ họ.

Thầy và trò tự do thảo luận, trao đổi kiến thức là môi trường học lý tưởng.

Hiện nay tại Việt Nam, mô hình Giáo sư hướng dẫn, khá phổ biến ở các nền giáo dục tiên tiến như Mỹ và Anh, lần đầu được triển khai tại Đại học Tân Tạo, và đạt được thành công nhất định. Khi bắt đầu năm học mới, mỗi sinh viên năm nhất sẽ được nhà trường gửi danh sách các giáo sư, giảng viên có chuyên môn phù hợp với từng khoa và ngành đào tạo. Sinh viên được tự do tìm hiểu và đăng ký chọn một giáo sư sẽ hướng dẫn cho mình. Các giáo sư tại TTU 60% là giáo sư người Mỹ, 40% là người Việt đã từng học tập, nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài. Mỗi giáo sư hướng dẫn sẽ theo sát, giúp đỡ sinh viên của mình trong suốt 4 năm học về tất cả vấn đề như: kiến thức chuyên môn, chương trình hoạt động ngoại khoá, định hướng tương lai, tư vấn và giải đáp các khúc mắc...

Advait Soni (Bác sĩ - Nghiên cứu sinh Sau Tiến sĩ Đại học Indiana, Hoa Kỳ) trực tiếp hướng dẫn sinh viên khoa Y TTU trong chuyến thực tập tại Mỹ. Ông cũng là người sẽ hướng dẫn cho sinh viên năm nhất của TTU làm quen với quá trình học Y tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chủ tịch HĐQT Đại học Tân Tạo, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho rằng cách duy nhất để góp phần làm nên sự trưởng thành của một con người là trao tình yêu từ trái tim đến trái tim. Chỉ có tình cảm, sự quan tâm thật sự trong lòng cha mẹ, thầy cô giáo mới khiến các em cảm nhận được và phát triển một cách tròn trịa về tư cách và năng lực chuyên môn.

Có lẽ vì vậy, mà 100% sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Tân Tạo đều có việc làm lương cao, trong đó 89% cựu sinh viên đang công tác trong các tập đoàn đa quốc gia và tổ chức quốc tế tại nước ngoài như: PwC, P&G, Unilever, Nestle... Đây là kết quả thành công đáng tự hào đến từ mô hình giáo dục đề cao đạo đức của nhà giáo, cũng như mối quan hệ chặt chẽ của giáo viên với người học.

Thay lời kết

Trên thực tế, trách nhiệm của người làm nghề giáo không chỉ dừng lại trong mối quan hệ với người học mà còn đối với nhiều chủ thể khác trong nhà trường và cuộc sống. Những điều đó không chỉ góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tích cực mà còn tạo hình mẫu cho thế hệ trẻ noi theo trong quan hệ với bạn bè và người thân.

T.D.V