Chủ nhật, 8/9/2013, 11h09

Mạnh dạn gõ cửa trường nghề!

Cánh cửa trường nghề luôn mở ra những cơ hội học tập thiết thực cho thí sinh khi không đạt được giấc mơ ĐH.
Ban tư vấn giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến việc đào tạo nghề, TCCN cho thí sinh và phụ huynh
Chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển CĐ nghề - TCCN - TC nghề 2013 “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với  Đài Phát thanh Truyền hình Long An tổ chức ngày 7-9 đã cung cấp cho thí sinh những thông tin cụ thể để định hướng, lựa chọn xét tuyển vào các trường nghề cũng như TCCN…
Có nghề “lận lưng”, không lo thất nghiệp
Cũng đang vào mùa cao điểm tuyển sinh nhưng khác với không khí sôi động tại các trường ĐH, bức tranh tuyển sinh của các trường nghề hay TCCN có phần… lặng lẽ.
Tâm lý quá coi trọng ĐH ở chính người học là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động đào tạo nghề lâu nay chưa được coi trọng một cách đúng mức. TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, khuyến khích học nghề là một chủ trương lớn của toàn ngành giáo dục, thể hiện ở việc phân bổ lượng chỉ tiêu qua các năm; bản thân các đơn vị đào tạo nghề cũng ngày đêm tự nâng cấp, làm mới mình bằng cách trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên chất lượng… thế nhưng hoạt động dạy nghề vẫn chưa tạo được bước đột phá. Trong khi đó, tân cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ĐH hằng năm thất nghiệp không phải là ít.
ThS. Phan Thanh Hải (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ Ladec) dẫn chứng thực tế tại một khu công nghiệp, cơ cấu nhân lực bao gồm cả kỹ sư lẫn lao động tốt nghiệp trình độ thấp hơn như CĐ nghề, TC nghề, TCCN… Vì vậy, theo ThS. Hải, chỉ cần có nghề, người lao động không lo thất nghiệp. “Có rất nhiều cách để trang bị ngành nghề nhưng ĐH không phải là con đường duy nhất, bên cạnh đó, các bậc đào tạo CĐ, TCCN hay CĐ nghề, TC nghề vẫn mở ra rất nhiều cơ hội lập nghiệp và tiến thân cho thí sinh. Trong đó, học nghề có những lợi thế nhất định là hạn chế chi phí, rút ngắn thời gian để người học nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động” - ThS. Hải nói.
Thực tế thời điểm này, nhiều thí sinh dù không đậu ĐH, tâm trạng chán chường nhưng vẫn dè dặt với việc lựa chọn học nghề làm hướng đi kế tiếp. ThS. Nguyễn Thành Sơn (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Bến Thành) nêu quan điểm, thí sinh chỉ thật sự thất bại khi chính các em không chịu đứng dậy, tìm cách “tự cứu” lấy mình. Ngành nghề nào từ anh kỹ sư hay bác nông dân cũng đều có thể làm giàu. Điều quan trọng là biết xác định được đam mê, sở trường để xây dựng lộ trình phát triển.
Chú trọng đào tạo ngoại ngữ cũng là yêu cầu thiết yếu đối với những ngành nghề đào tạo đặc trưng. ThS. Trần Phương (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Việt Giao) nêu triển vọng, Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng của Đông Nam Á, kéo theo sự phát triển của hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch… Do đó, nhu cầu nhân lực nghề bếp, nhà hàng… cũng tăng cao và sẽ vẫn còn nóng lên trong vài năm tới.
Đầu tư tiền tỷ, thu hút người học
Các trường TCCN, CĐ nghề… đều mong muốn lứa học sinh - sinh viên do trường đào tạo có thể làm được việc, kiếm được thu nhập ngay khi bước vào thực tế. Quan điểm của các trường, chỉ khi người học thấy được tiềm năng ngành nghề cũng như khả năng thực sự của chính mình thì mới trân trọng việc học. Vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên… cũng là tất yếu để các trường “trụ” được trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.
ThS. Phan Dũng Danh (Hiệu trưởng Trường TC Tổng hợp Đông Nam Á) nhận định, chất lượng đào tạo được đảm bảo trên 3 cơ sở: Giáo viên, trang thiết bị vật chất và phương pháp giảng dạy. Vì vậy, trường chú trọng cao vào những điểm mấu chốt này, lấy sinh viên làm trọng tâm, gắn kết doanh nghiệp để đào tạo nhằm bàn giao cho xã hội nguồn lao động đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
ThS. Nguyễn Công Danh (Hiệu trưởng Trường TC Việt Khoa) cho biết, thế mạnh đào tạo tại trường nằm ở ngành CNTT và nhóm ngành kinh tế. Chú trọng thực tập, thực hành nên các môn học chính đều trải qua khâu thực tập cơ bản, nâng cao và thực tập tốt nghiệp. Đặc biệt, học sinh trước khi ra trường còn được tham gia hình thức bảo vệ khóa luận tốt nghiệp tương tự ĐH.
Bên cạnh đó, cũng có không ít đơn vị dành cả tiền tỷ để đầu tư cơ sở vật chất, với mong muốn vực dậy hoạt động đào tạo vốn ít được người học chú ý bấy lâu nay. Ông Nguyễn Cương Quyết (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường TC Quang Trung) bộc bạch: Nhà máy GMP và nhà thuốc GPP (với tổng kinh phí 2 tỷ đồng) là hai công trình mới nhất nhà trường xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động thực hành của học sinh. Cũng theo ông Quyết, đối với những ngành thế mạnh ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trường còn chú trọng đào tạo tiếng Nhật, tiếng Anh để người học sau này có thể tham gia cả thị trường lao động nước ngoài.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Báo Giáo dục TP.HCM xin trân trọng cảm ơn Trung tâm đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng và Đa phương tiện MaacViet Arena và trường Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á đã tài trợ chương trình.