Thứ tư, 16/6/2010, 09h06

Mập mờ chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Cấp phép cũng sai luật

Có rất nhiều chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài quảng cáo, chiêu sinh rầm rộ nhưng không đề cập và công bố chương trình này đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hay chưa. Trong số đó có không ít nơi đã liên kết đào tạo “chui”.
8 năm đào tạo “chui”
Trung tâm Hợp tác quốc tế đào tạo của Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ và cử nhân của trường Đại học (ĐH) Nam Columbia (bang Alabama, Hoa Kỳ) từ năm học 2002 - 2003, đến nay đã có hàng trăm học viên tốt nghiệp. Tuy nhiên khi đi xin việc, họ mới vỡ lẽ ra bằng cấp của trường ĐH này không được Bộ GD-ĐT Việt Nam công nhận, do chương trình chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Trường ĐH Nguyễn Trãi mới thành lập được 3 năm nhưng đã được cấp phép tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo - Ảnh: Ngọc Thắng
Một số học viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo trên cho biết, khi chiêu sinh, trung tâm này giới thiệu: “Được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT tại Công văn số 8621/GDTX ngày 27.9.2002, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình đào tạo từ xa quốc tế do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giao cho, Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế giới thiệu chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh do trường Đại học Nam Columbia (bang Alabama, Hoa Kỳ) đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp. Chương trình áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến (E - Learning) có sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm sư phạm”. Tin tưởng vào sự quảng bá này, nhiều học viên đã đăng ký học. Họ được đào tạo ở 2 cơ sở của trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM, với mức học phí từ 6.000 - 8.000 USD cho một khóa học, chưa bao gồm chi phí về tài liệu học tập.
Trao đổi với phóng viên về sự việc này, ông Nguyễn Thiện Toản - Trưởng phòng dự án, Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) xác nhận: Chương trình đào tạo của trường ĐH này chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Hiện văn bằng của các học viên theo học chương trình này không được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) công nhận. Đề cập đến việc tại sao họ có thể đào tạo “chui” nhưng rất công khai suốt 7 - 8 năm qua, ông Toản cho biết: “Trước đây Trung tâm Hợp tác quốc tế có được Bộ GD-ĐT đồng ý cho tư vấn về chương trình đào tạo của trường ĐH Nam Columbia chứ không phải liên kết đào tạo. Việc trường ĐH Nam Columbia tổ chức đào tạo tại Việt Nam là sai vì không đúng với luật hiện hành của Việt Nam”.
Ông Toản nói thêm: “Nếu liên kết thì hai bên cùng phải có chức năng đào tạo nhưng hiện trung tâm này không được giao nhiệm vụ đào tạo (cử nhân, thạc sĩ - PV). Nhà nước chưa có văn bản nào quy định về đào tạo từ xa ở nước ngoài. Họ đào tạo là không đúng với pháp luật Việt Nam”.
Có trường hợp ngoại lệ!
Hiện nay, trường ĐH Nguyễn Trãi đang chiêu sinh chương trình liên kết đào tạo cử nhân với trường ĐH Sunderland của Anh. Sự kiện này đã khiến không ít người am hiểu về giáo dục “sốc”, vì việc liên kết này là sai luật.
Điều 6, Nghị định 18 quy định về lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa - giáo dục nước ngoài tại Việt Nam (không nhằm mục đích thu lợi nhuận) ghi rõ: Cơ sở liên kết được cấp giấy phép khi bên Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây: Là tổ chức, cá nhân đã hoạt động ít nhất 5 năm trong lĩnh vực dự định liên kết... Trong khi đó, trường ĐH Nguyễn Trãi mới chỉ thành lập được 3 năm. Thế nhưng không rõ vì lý do gì, chương trình đào tạo liên kết này đã được Bộ GD-ĐT cấp phép cách đây 2 tháng! Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Toản cho rằng: “Đây là trường hợp ngoại lệ, vì xét thấy có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, các điều kiện khác...” (!?). Cần nhắc lại rằng cũng trong thời điểm cấp phép thì báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội cho thấy trường này nằm trong danh sách các trường ĐH chưa xây dựng xong cơ sở đào tạo đúng cam kết.
Không chỉ có trường ĐH Nguyễn Trãi là “ngoại lệ”. Cách đây 3 năm, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) đã tuyển sinh khóa đầu tiên chương trình liên kết với trường ĐH Tổng hợp Sunderland - Vương quốc Anh để đào tạo ĐH ngành tài chính - ngân hàng và kế toán - quản trị tài chính. Theo thông báo với sinh viên thì chương trình đào tạo bao gồm ba giai đoạn trong 4 năm. Sinh viên có thể học năm cuối tại Vương quốc Anh, tùy theo khả năng và nguyện vọng. Tuy nhiên đến nay, khi sinh viên ngành tài chính - ngân hàng khóa đầu tiên chuẩn bị bước sang năm thứ tư, có nguyện vọng sang học tại Anh, mới vỡ lẽ trong suốt những năm qua, tại trường ĐH Tổng hợp Sunderland chưa hề có ngành đào tạo ngân hàng!
Vũ Thơ / Thanh Nien