Thứ hai, 14/6/2010, 09h06

Mập mờ chương trình thạc sĩ liên kết quốc tế

Chỉ cần tốt nghiệp đại học và đóng đủ tiền, không cần trình độ tiếng Anh, học viên sẽ có tấm bằng MBA Mỹ. Đó là điều kiện xét tuyển hết sức dễ dàng của một số chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ nước ngoài tại VN hiện nay, kèm theo là chất lượng đào tạo có nhiều nghi vấn.

Cứ viết tiếng Việt rồi đưa dịch vụ dịch

Trong vai người cần gấp một tấm bằng MBA, chúng tôi đến trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Hà (gọi tắt là trường Hồng Hà) tại địa chỉ 4/9 Hoàng Khương Dư, P.12, Q.10, TP.HCM. Tiếp chúng tôi, cô Thanh Phương - nhân viên phòng giáo vụ, giới thiệu ngay về khóa học: “Trường em liên kết với ĐH Southwest American (Mỹ) chiêu sinh lớp thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tới khóa 2. Học tại Việt Nam trong thời gian 10 tháng với học phí 4.000 USD, bằng do ĐH Southwest American cấp có giá trị quốc tế”. Vừa nói cô này vừa cho chúng tôi xem một tấm bằng mẫu của ĐH Southwest American.

Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Hà, nơi diễn ra các khóa đào tạo MBA liên kết nước ngoài có nhiều nghi vấn về chất lượng - ảnh: T.Long

Khi chúng tôi hỏi điều kiện tuyển sinh, cô cho biết: “Không cần giỏi tiếng Anh, chỉ cần có bằng tốt nghiệp ĐH là đủ điều kiện nhập học”. Chúng tôi hỏi vặn: “Không biết tiếng Anh sao hiểu người nước ngoài dạy, rồi sao làm luận văn được?”. Cô Phương cười cười rồi nói: “Tất cả các giảng viên đều là người nước ngoài có bằng tiến sĩ nhưng khi học sẽ có người phiên dịch. Anh chị không phải lo về bài luận vì chúng tôi có những bài mẫu. Ngoài ra, trường có hỗ trợ học viên làm bài, nếu viết không được thì cứ viết tiếng Việt rồi đưa dịch vụ họ dịch giùm cho” (!?).

"Thực tế, không chỉ 2 đơn vị này đào tạo chương trình liên kết MBA theo cách trên. Học thạc sĩ với nội dung quá ít như vậy không thể là bình thường, và chắc chắn không đạt trình độ như các chương trình chuẩn được. Nói chung, các cấp có thẩm quyền cần thanh tra trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Hà và Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp sớm" PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa - Trưởng ban Đại học, sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM
Cô nhân viên này chủ động đề nghị chúng tôi nên tham dự một buổi học thực tế để biết cách học, cách làm bài và thử xem khả năng nghe tiếng Anh của mình đến đâu. Cô nói: “Do học viên là những người đi làm, nên nhà trường sắp xếp lịch học vào cuối tuần để các bạn có thể dễ dàng tham gia. Mỗi tháng học một môn, mỗi môn học trong vòng 2 ngày vào thứ bảy và chủ nhật. Sau mỗi môn, học viên làm một bài luận có độ dài từ 20-30 trang bằng tiếng Anh. MBA chủ yếu là tự học, nếu đến ngày học mà anh bận đi công tác, trường có thể cho học viên mượn bài luận tham khảo rồi về tự viết, miễn sao có bài nộp cho thầy là được”.
Theo hướng dẫn của cô nhân viên giáo vụ, một ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến học thử môn Total Quality Management  do tiến sĩ Fazli Ku được giới thiệu đến từ trường ĐH Southwest American dạy. Phòng học nằm trong khuôn viên trường Hồng Hà. Theo lời cô giáo vụ, lớp cao học này có 30 học viên, nhưng khi chúng tôi đến chỉ có khoảng 10 người ngồi rải rác theo nhóm. Trong khi thầy giáo nước ngoài huyên thuyên giảng bài phía trên thì bên dưới, các nhóm học viên chụm đầu vào nhau nói chuyện. Sau những tràng tiếng Anh của tiến sĩ Fazli Ku, trợ giảng dịch lại rồi hỏi học viên có thắc mắc gì muốn hỏi không. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm nên cuối cùng trợ giảng phải tự đặt ra vài câu hỏi.
Ngán ngẩm trước cảnh “học giả” trên, chúng tôi tìm đến chương trình liên kết của Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp (cơ sở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10) và ADAM International University (Mỹ). Một nhân viên ghi danh của Viện thông tin: “Trường em liên kết với trường ADAM International University tổ chức dạy MBA với học phí 4.000 USD/khóa học 10 tháng. Lớp này đã khai giảng được một tháng rồi nhưng nếu bây giờ đóng tiền thì vô học luôn!”.
Thạc sĩ... cắt dán
Không phải liên kết mà chỉ giới thiệu (!)
Ngày 10.6, với tư cách phóng viên đến trường phỏng vấn về việc trường Hồng Hà có đào tạo chương trình MBA liên kết với ĐH Southwest American hay không thì ông Trần Đức Tuyến (Hiệu trưởng) khẳng định trường ông chỉ… giới thiệu cho trường ĐH Southwest American đào tạo MBA từ xa. Đồng thời ông tuyên bố: “Trong khu vực trường Hồng Hà không có học viên nào học lớp MBA cả”. Tuy nhiên, trong các giáo trình MBA của trường Southwest American do trường Hồng Hà cấp cho học viên đều có dòng chữ “Hồng Hà College” và chính ông Tuyến khi tư vấn cho phóng viên lúc đóng vai người học thì khẳng định trường ông hiện đang đào tạo MBA.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong số những người học MBA ở trường Hồng Hà có khá nhiều học viên là giảng viên các trường ĐH-CĐ ở các tỉnh. Chị T. - học viên đang theo học, cho hay: “Đóng tiền rồi phải đi học chứ bỏ thì tiếc lắm! Ngồi đây nghe thầy giảng vậy chứ chẳng hiểu gì, chủ yếu là lên mạng tìm thông tin rồi viết. Nhưng học dễ mà có bằng MBA do ĐH bên Mỹ cấp cũng oai lắm chứ!”. Chị này còn tư vấn “công nghệ” làm bài luận bằng tiếng Anh: “Anh cứ lên mạng tra thông tin về vấn đề mình quan tâm bằng tiếng Việt, sau đó cắt chỗ này, dán chỗ kia viết thành một bài luận hoàn chỉnh rồi lên Google dịch ra tiếng Anh là xong”. Một chị ngồi chung buột miệng cười nói theo: “Mấy cái bài này cũng dễ lắm, chủ yếu là anh phải siêng. Học xong anh sẽ thành một thạc sĩ...  cắt dán cho mà xem”.
Chị N. - giảng viên tiếng Anh của một trường CĐ ở Đồng Nai đang theo học lớp MBA tại đây, phàn nàn: “Thầy dạy chán quá, nghe chẳng được gì cả”. Vừa nói chị N. với tay lấy cuốn tiểu luận của một học viên khác mới nộp, tò mò đọc rồi thốt lên: “Viết luận văn bằng tiếng Anh kiểu này làm sao mà thầy hiểu được?”. Cô giáo vụ nhanh miệng đáp lại: “Thầy cũng biết trình độ tiếng Anh của học viên nên chấm bài theo từ ngữ thôi. Chị yên tâm đi, miễn trong bài luận có từ nói về vấn đề thầy quan tâm là chị qua thôi”.
Thiên Long - T.S.Gia / Thanh Nien