Thứ hai, 30/11/2015, 10h18

Mất cân bằng dân số nam - nữ và hệ lụy

Hãy tôn trọng giới tính tự nhiên của trẻ và đừng cố gắng chọn lựa giới tính của thai nhi như một sự lựa chọn thiếu nhân văn… Ảnh: I.T

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì trên thế giới, việc một số quốc gia có tỉ lệ người già quá nhiều và dân số trẻ ít đi đang là vấn đề đáng quan tâm. Thế nhưng, song song đó, nhiều quốc gia đang ở trạng thái căng thẳng khi tỉ lệ nam nữ trong dân số đang có phần chênh lệch rất đáng kể. Và cũng từ đây, tình trạng cô đơn hay ế vợ đang trở thành nỗi ám ảnh không quá xa với nhiều người thanh niên  9X đời cuối…

Thay đổi nhanh

Nếu những năm Việt Nam còn chiến tranh, tỉ lệ nữ nhỉnh hơn nam là điều dễ hiểu. Thế nhưng, từ những năm 1990 đến nay, những dự báo về dân số, những điều tra có liên quan về tình hình dân số và đặc biệt là dân số mới hay nhập tỉ lệ sinh cho thấy con trai hay đàn ông hoặc giới tính nam có xu hướng tăng cao bất thường… Điều này có hẳn những minh chứng đáng xem xét…

Theo giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM thì có thể phân tích số lượng sinh nở hiện nay tương đương với tỷ lệ 113/100 (bé trai/bé gái). Đây là con số đáng lo ngại về mặt gánh nặng xã hội trong cả y tế lẫn kinh tế, cũng như sự mất cân bằng giới tính trầm trọng, gây nhiều hậu quả khó lường lâu dài. Dễ thấy nhất là sự gia tăng này rất đáng kể và có xu hướng tăng lên ở giới tính nam chứ không dừng lại… Rõ ràng, lý do đã được lý giải xoay quanh vấn đề: Chọn giới tính khi sinh con, chọn năm tốt để sinh con hay sinh con thứ ba do muốn kiếm được con trai bằng mọi giá…

“Con số dễ thấy hiện nay ở Việt Nam theo ước tính là cứ có 100 bé gái sinh ra thì có đến khoảng 110-112 bé trai được sinh ra. Làm một phép tính đơn giản để thấy: Nếu hiện nay có 1 triệu trẻ em nữ thì sẽ dư ra 10 ngàn bé nam. Hệ lụy này không chỉ dừng lại ở việc người nam không có vợ mà còn dẫn đến hàng loạt những sự mất cân bằng không đáng có trong cuộc sống…” - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đúc kết.

Cần thay đổi cách nhận thức

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, việc đổi thay này là vấn đề khó, nhưng có lẽ xuất phát từ việc cần nhìn nhận vấn đề con cái theo quan điểm tự nhiên và khoa học. Đầu tiên, cần nhận ra rằng con cái cần được ra đời như sự kết tinh giữa cha và mẹ. Bất kỳ sự căng thẳng nào không đáng có sẽ dễ dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột hay thậm chí là hậu quả. Cần thực sự nghiêm túc nhận thức rằng sự xuất hiện của con cái - bất kể giới gì đều là niềm tin và hạnh phúc mà mỗi gia đình, mỗi nhà không dễ có được. Cũng chính điều đó dẫn đến một thực tế: Hãy tôn trọng giới tính tự nhiên của trẻ và đừng cố gắng chọn lựa giới tính của thai nhi như một sự lựa chọn thiếu nhân văn…

Thứ hai, cần nhìn nhận vấn đề theo xu hướng tích cực của một xã hội hiện đại. Quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” không còn phù hợp. Con trai hay con gái không còn quan trọng mà quan trọng là việc con cái có trưởng thành, có trách nhiệm với cuộc sống và trở thành người có ích hay không. Mặt khác, việc cố tình bằng mọi giá để có con trai hay cố gắng có con trai bằng sự thử nghiệm “sản xuất” liên tục sẽ không những gây áp lực với người phụ nữ mà thậm chí còn làm cho gia đình cứ luôn chạy theo những mục tiêu rất ích kỷ thuộc về suy nghĩ cảm tính hay quan niệm của một cá nhân…

Cuối cùng, điều quan trọng nhất cần đồng thuận là việc sinh con cái là điều có thể nhưng việc dạy con cái nên người mới trở thành trách nhiệm rất nặng nề. Hành trình dạy con nên người cần được thực hiện một cách toàn tâm toàn ý bởi cả cha lẫn mẹ. Việc con trai và con gái sinh ra trong gia đình, trưởng thành và có những thành tựu nhất định quan trọng hơn việc đó là con trai hay con gái của ta thành công, thành đạt. Suy nghĩ tích cực này sẽ giải quyết được những hệ lụy như: Con cái phải giữ dòng họ, truyền thống gia đình… Hơn thế nữa, điều ấy còn dẫn đến những cảm xúc thăng hoa, những mối quan hệ bền chặt và đặc biệt đó chính là hạnh phúc giản đơn mà bất tận của một gia đình đúng nghĩa.

“Mỗi gia đình của một xã hội hiện đại cần nhận ra rằng có con cái là nguồn vui. Nhưng đừng để nhiều năm sau, chính đứa con với giới tính mà chúng ta mong mỏi sẽ trở thành những áp lực khi cách thức giáo dục con thiếu điểm đến, thiếu định hướng. Mặt khác, hãy cho con một tình yêu đúng nghĩa, một sự đầu tư thích ứng chứ không thể chọn con về mặt giới tính định sẵn vì những quan niệm thiếu căn cứ, những suy nghĩ cảm tính chủ quan…” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Minh Thành

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: “Mỗi gia đình của một xã hội hiện đại cần nhận ra rằng có con cái là nguồn vui. Nhưng đừng để nhiều năm sau, chính đứa con với giới tính mà chúng ta mong mỏi sẽ trở thành những áp lực khi cách thức giáo dục con thiếu điểm đến, thiếu định hướng. Mặt khác, hãy cho con một tình yêu đúng nghĩa, một sự đầu tư thích ứng chứ không thể chọn con về mặt giới tính định sẵn vì những quan niệm thiếu căn cứ, những suy nghĩ cảm tính chủ quan…”.