Thứ sáu, 8/1/2016, 14h09

Máy bay Vietnam Airlines bị xịt lốp có thể do tác động vật ngoại lai

Trao đổi với báo chí, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, việc máy bay Vietnam Airlines bị xịt lốp có 2 khả năng, có thể do vật ngoại lai tác động trên đường cất hạ cánh hoặc vết rách do lốp.

Theo ông Lại Xuân Thanh, đây là sự cố an toàn bay mức C, do phải triển khai khẩn nguy. Tuy nhiên theo ông Thanh, nguyên nhân thực sự phải điều tra kỹ. Tình trạng lốp bị xảy ra sau khi cất cánh, vì nếu có vấn đề khi cất cánh, máy móc sẽ có cảnh báo ngay. Nhận định ban đầu cho thấy hệ thống máy móc cảnh báo hoạt động bình thường, sau khi cất cánh 30 phút mới có cảnh báo mất chỉ thị áp suất ở lốp số 1 của càng chính bên trái. Theo ông Thanh, có thể vật ngoại lai va vào trên đà cất hạ cánh.

Tuy bị xịt lốp nhưng máy bay của Vietnam Airlines đã hạ cánh an toàn - Ảnh minh họa

Tuy bị xịt lốp nhưng máy bay của Vietnam Airlines đã hạ cánh an toàn - Ảnh minh họa

Kiểm tra sơ bộ, 5 giờ sáng Đà Nẵng đã kiểm tra đường cất hạ cánh. Sau khi xảy ra sự cố, cục đã chỉ đạo kiểm tra lại đường cất hạ cánh, báo cáo đến trưa nay cho thấy chưa có gì bất thường trên đường băng tại Đà Nẵng. Tuy mất một lốp, nhưng máy bay có khả năng hạ cánh an toàn nên các đơn vị quản lý quyết định cho hạ cánh bình thường.
Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức cho biết, tổ lái đủ kinh nghiệm, hiện đã bay tiếp vào Đà Nẵng. Tổ bay này hôm nay sẽ có 4 chuyến bay.
Ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay, việc nổ lốp trong phương án điều hành bày đều có cả. Kiểm soát viên không lưu sẽ xác nhận lại thông tin, đã triển khai các phương án khẩn nguy theo yêu cầu của tổ lái. Quan trọng là nhận định tình huống của tổ bay, để đảm bảo an toàn, Quản lý bay đã trao đổi với hãng hàng không, thống nhất đánh giá của tổ lái đúng. Sau khi trao đổi, chúng tôi thống nhất đưa máy bay vào vùng chờ và xả dầu theo quy định. Phương án bay thông trường được quyết định áp dụng. Trong trường hợp mất một lốp vẫn có thể hạ cánh bình thường, nhưng phải xem xét có thể tác động nổ lốp còn lại. Đưa tất cả các máy bay khác vào khu chờ, ưu tiên tuyệt đối cho máy bay khẩn nguy này, sự cố không ảnh hưởng nhiều đến các chuyến bay khác. Quản lý bay cũng đã chuẩn bị các phương án như rải bọt nhưng không phải áp dụng.
Ông Thắng đánh giá ưu điểm khi xử lý sự cố này là nhận định đúng tình huống. Ứng xử của tổ lái và kiểm soát viên không lưu rất bình tĩnh và đúng kiểm soát, chứng tỏ tổ lái tâm lý rất vững.
Theo báo cáo, máy bay đã được kiểm tra lại và đưa vào khai thác tiếp.
Trước đó, chuyến bay VN162 khởi hành từ Đà Nẵng lúc 8 giờ 30 sáng nay, khai thác bằng máy bay Airbus A321 (số đăng ký VNA601) đang trên đường đến Hà Nội. Sau 30 phút khởi hành, tổ lái và hệ thống theo dõi khai thác tại trung tâm điều hành đã phát hiện hiện tượng mất chỉ thị áp suất ở lốp số 1 của càng chính bên trái. Chuyến bay dự kiến hạ cánh lúc 9 giờ 57, thực tế hạ cánh là 10 giờ 24, chậm mất  27 phút, do bay vòng ra khu chờ Hà Nam để xả dầu.
Trước đó, đã từng có sự cố máy bay ATR72 bị rơi lốp tại Việt Nam. 

Mai Hà (TNO)