Thứ tư, 13/4/2011, 09h04

Mây phóng xạ đã lan rộng tại Việt Nam

Ngày 12/4, các trạm quan trắc ở Lạng Sơn, Đà Lạt, Ninh Thuận tiếp tục ghi nhận dấu hiệu của phóng xạ mức độ thấp trong không khí. Kết quả này cho thấy đám mây phóng xạ vẫn tồn tại và lan rộng tại Việt Nam kể từ 9/4 đến nay.

Ngày12/4, báo cáo từ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết, trạm quan trắc ở  Lạng Sơn đã ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo ở mức rất thấp (I-131, Cs-134 và Cs-137). 
Cùng ngày, các trạm quan trắc tại Đà Lạt và Ninh Thuận cũng ghi nhận phóng xạ trong không khí ở mức rất thấp, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Hôm qua (11/4), các trạm quan trắc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận sự tồn tại của phóng xạ trong không khí.
Chuyên gia nhận định, các hình ảnh dự đoán sự di chuyển của đám mây phóng xạ cho thấy đám mây có thể đang đi qua lãnh thổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, cho tới thời điểm này trạm quan trắc đặt tại Phillipines vẫn chưa ghi nhận được có sự thay đổi đáng kể nồng độ hạt nhân phóng xạ trong không khí.
Về tình hình tại Nhật Bản hôm nay, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) đã công bố việc tạm thời nâng mức xếp loại cho sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I từ mức 5/7 lên mức 7/7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân INES của IAEA, ngang bằng với tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986. Tuy vậy NISA cho biết lượng phóng xạ này chỉ bằng khoảng 10% so với tai nạn Chernobyl. Sự thay đổi này được Nhật Bản đưa ra dựa trên ước tính về lượng phóng xạ đã phát tán ra khí quyển từ tai nạn tại nhà máy Fukushima I. Sự phát tán phóng xạ này hiện vẫn đang tiếp tục.
Hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ cho khu vực Đông Nam Á lúc 20h  ngày 12/4. (Nguồn ảnh: VAEI) 
Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam giải thích rõ, việc công bố xếp loại thang sự cố mới này không có nghĩa là sự cố đã trở lên trầm trọng hơn so với ngày hôm qua, mà chỉ là đánh giá lại tình trạng thực tế của sự cố đã xảy ra.
Ngày 11/4, hồi 17h16 (giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh 7 độ đã xảy ra tại tỉnh Fukushima với tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 10 km. Sau động đất, một số đợt dư chấn đã xảy ra và nhà chức trách cũng đã ban bố lệnh cảnh báo sóng thần. Sau đó lệnh cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ. Sau động đất, việc phun nước làm mát tại nhà máy Fukushima I đã phải tạm ngừng vì nguồn cấp điện ngoài bị ngắt. Sau đó khoảng 50 phút TEPCO đã khôi phục được nguồn điện ngoài cho các tổ máy số 1, 2 và 3 và tiếp tục phun nước làm mát vào các lò phản ứng.
Hiện TEPCO đang tiếp tục tiến hành bơm khí ni-tơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1. Trong mấy ngày gần đây, áp suất bên trong lớp bảo vệ này tăng không đáng kể, do vậy TEPCO nghi ngờ rằng đã có sự rò rỉ từ lớp bảo vệ ra ngoài. Từ ngày 10/4, TEPCO bắt đầu dùng người máy để thu dọn các mảnh vỡ nhiễm phóng xạ cao trong khu vực nhà máy và nghiên cứu việc sử dụng khí thay thế cho nước để làm mát. 
P .Thanh (dantri)