Thứ bảy, 17/3/2018, 22h22

Miễn học phí cấp THCS: Ngân sách Nhà nước có thể bù đắp được

Miễn học phí cho học sinh (HS) THCS có ý nghĩa trao cơ hội đến trường nhiều hơn cho trẻ em vùng khó khăn, trẻ em thuộc hộ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, kiến nghị miễn học phí cho đối tượng này đã không còn được đề cập trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD) cũng như trong tờ trình mà Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, GD, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, GD, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

PV: Hai bộ Tài chính, Nội vụ cho rằng, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách miễn học phí cấp THCS là không khả thi. Ý kiến này có thuyết phục không thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi rất chia sẻ với các cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ gác cổng ngân sách. Về mặt lý lẽ, đúng là khi đưa ra một chính sách mới liên quan tới tài chính thì điều đầu tiên phải tính đến là năng lực ngân sách Nhà nước liệu có thể đáp ứng được để bảo đảm tính khả thi, và để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhiều chính sách khi đưa ra cũng đã bị cân nhắc, không riêng gì chính sách học phí cho HS THCS.

Luật GD hiện hành đã quy định “Phổ cập GD mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập GD tiểu học và phổ cập GD THCS. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập GD, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập GD”. Về bản chất, khi đã phổ cập THCS nghĩa là mọi HS trong độ tuổi đều được đến trường, được tạo điều kiện để hoàn thành phổ cập. Nhưng đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho HS tiểu học. Các cấp học còn lại vẫn phải đóng học phí, trong đó có HS THCS. Và thực tế cho thấy, ở những địa bàn khó khăn, những hộ gia đình có thu nhập thấp, học phí đã và đang là một rào cản đối với quyền tiếp cận GD cơ bản của trẻ em. Đây rõ ràng là một hạn chế lớn về mặt chính sách, cần được khắc phục trong sửa đổi Luật GD lần này.

Về phía Bộ GD-ĐT cũng đã cân nhắc rất kỹ khi đề xuất việc mở rộng diện miễn giảm học phí đối với cấp THCS. Lý lẽ là khi đặt ra mục tiêu phổ cập GD thì cần phải tính đến các điều kiện hỗ trợ, trong đó có vấn đề miễn giảm học phí. Một nghiên cứu của Bộ GD-ĐT về chính sách của 18 nước, đại diện cho 4 châu lục cho kết quả là 33% số nước miễn học phí mầm non, 61% số nước miễn học phí cấp THCS và 44% số nước miễn học phí hoàn toàn cấp THPT.

Còn về tính khả thi, theo tính toán sơ bộ của ngành GD-ĐT, bên cạnh cấp tiểu học, nếu miễn học phí thêm cho HS cấp THCS thì dự kiến ngân sách Nhà nước hằng năm phải chi thêm, cấp bù cũng không phải là quá lớn, và ngân sách Nhà nước có thể bù đắp được. Trong khi đó, đây là một chính sách có ý nghĩa xã hội rất lớn, tác động trực tiếp đến sự phát triển GD-ĐT nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Đồng thời cũng là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và từng bước thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 29-NQ/TW đặt ra là: “Nâng cao chất lượng phổ cập GD, triển khai GD bắt buộc 9 năm sau năm 2020”.

Vì vậy, để thực sự thuyết phục, các bộ liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, cân nhắc và lựa chọn phương án, giải pháp phù hợp để có thể đưa được chính sách này vào dự thảo luật.

Miễn học phí cấp THCS có ý nghĩa như thế nào đối với HS, gia đình HS, đặc biệt các gia đình vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, thưa bà?

Tôi nghĩ rằng, nếu chính sách miễn học phí cấp THCS được xem xét đưa vào Luật GD sửa đổi để Quốc hội thông qua, thì đây thực sự là một tin vui rất lớn đối với HS, gia đình HS, đặc biệt các gia đình có thu nhập thấp. Bởi phụ huynh sẽ không còn phải cân nhắc tới việc cho con nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.

Và đây cũng là tin vui đối với các nhà giáo đang công tác tại những địa bàn khó khăn. Vì tôi biết, để bảo đảm duy trì sĩ số HS hàng năm, không ít thầy cô giáo đã phải trích từ nguồn tiền lương ít ỏi của mình để đóng học phí thay cho học trò, phải vất vả đến từng nhà để vận động trò nghèo quay lại lớp.

Nếu cấp THCS được miễn học phí sẽ góp phần tích cực vào mục tiêu phổ cập GD. Ảnh: N.Trinh

Việc miễn học phí cho HS THCS có ý nghĩa trao cơ hội đến trường nhiều hơn cho trẻ em vùng khó khăn, trẻ em thuộc hộ có thu nhập thấp; và chắc chắn sẽ góp phần vào mục tiêu phổ cập GD đối với HS THCS.

Cũng cần nói thêm là chính sách miễn học phí chỉ là một điều kiện cần, và là một trong những giải pháp đầu tiên trong lộ trình thực hiện các mục tiêu trên. Để giải được bài toán phân luồng HS THCS và định hướng nghề nghiệp cho HS THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội, hội nhập quốc tế như Bộ GD-ĐT chia sẻ thì cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ liên quan. Chẳng hạn như vấn đề liên thông trong hệ thống GD, chương trình và sách giáo khoa, quy hoạch nguồn nhân lực...

Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đề nghị, quy định miễn học phí cấp THCS sẽ đưa vào các đề án hoặc văn bản khác của Chính phủ. Vậy theo bà, việc này có khả thi không?

Đó cũng là một giải pháp cần tính đến. Nhưng tính khả thi thì chưa hẳn đã cao, nếu ngân sách Nhà nước trong những năm tới có thể tiếp tục khó khăn, và các nhà hoạch định chính sách chưa nhìn thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của những chính sách mang tính xã hội này.

Chính vì lẽ đó, theo tôi, cần nghiên cứu, mạnh dạn đưa vấn đề miễn học phí cấp THCS vào sửa đổi Luật GD lần này theo hướng xác định nguyên tắc. Còn tùy vào thực tiễn, sẽ có lộ trình thực hiện và các giải pháp thích hợp trong cân đối ngân sách dành cho GD để bảo đảm tính khả thi.

Xin cảm ơn bà!

Ngọc Trinh (thực hiện)