Thứ ba, 25/10/2016, 21h12

Miễn phí THCS là bước đi khôn ngoan

Trong phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chính phủ chỉ đạo liên Bộ GD-ĐT và Tài chính xây dựng đề án miễn phí bậc THCS theo lộ trình đến năm 2020 để trình Quốc hội. Phụ huynh học sinh đón nhận thông tin này với niềm phấn chấn; nhất là các gia đình đông con, điều kiện kinh tế khó khăn.

Có lẽ trong chúng ta vẫn còn ray rứt khi đọc thư xin nghỉ học được truyền thông trích đăng mới đây của em Quách Văn Trúc, HS lớp 7 Trường THCS Xuân Khang, xã Xuân Khang, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Thư em có đoạn: “Lý do em viết đơn này là hoàn cảnh khó khăn, bố em bị phổi, mẹ em bị huyết áp, gạo ăn thì hết, em cũng không muốn bỏ học nhưng hoàn cảnh nhà em khó khăn nên em phải bỏ học để nuôi bố mẹ em”.

Sau khi lá thư được đăng, chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân đã đến giúp đỡ em tiếp tục việc học. Trong xã hội hiện có không ít trẻ như em Trúc đứng trước nguy cơ bỏ học vì gia đình bất ngờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, theo tin từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vừa trải qua lũ lụt, số HS có nguy cơ bỏ học đang gia tăng do những khó khăn mới mà gia đình các em đang hứng chịu.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT đưa ra năm 2015, tình hình HS bỏ học vẫn là một thách thức đối với công tác phổ cập giáo dục trung học; nhất là tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc và Tây Nguyên. Theo đó, tỉ lệ HS bỏ học ở bậc THPT tại ba vùng trên lần lượt là 3,94%, 1,99%, 1,32%; cấp THCS: 3,26%, 1,04%, 1,3%. Tất nhiên tỉ lệ này là con số trên giấy, còn trong thực tế có thể cao hơn. Hàng ngày, trên đường phố chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều trẻ độ tuổi đến trường đang mưu sinh. Hình ảnh này rất hiếm thấy ở các quốc gia phát triển.

Cho đến nay chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào về tình trạng HS bỏ học và thiệt hại kinh tế - xã hội từ thực trạng này ở nước ta. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục ở nước ngoài, chi phí mà xã hội bỏ ra để “gánh” một công dân thất nghiệp đắt gấp ba lần chi phí đào tạo một HS ở trường phổ thông (để sau này có nghề nghiệp ổn định và không thất nghiệp). Đó là chưa kể các tệ nạn xã hội do những người vô công rỗi nghề gây ra.

Ở nước ta, giáo dục tiểu học miễn phí đã được áp dụng từ nhiều năm qua và đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Số trẻ em đến lớp ở nhiều địa phương đạt tỉ lệ xấp xỉ 100% trong nhiều năm qua. Hiện cả nước đã hoàn thành phổ cập THCS và đang hướng đến phổ cập THPT. Tuy nhiên, việc phổ cập tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững do nguy cơ gia tăng tỉ lệ HS trong độ tuổi nghỉ học luôn thường trực. Bởi phần lớn người dân nước ta làm nông nghiệp, kinh tế gia đình thường bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết, năm nào gặp thiên tai nhiều thì coi như trắng tay.

Miễn phí bậc THCS đi đôi với cưỡng bách giáo dục không chỉ tăng cơ hội cho trẻ em đến trường mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bậc cha mẹ đối với việc học của con cái. Tất cả trẻ em đều được đến trường còn nhằm thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Và cuối cùng, để tiến tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập...

Từ Nguyên Thạch