Chủ nhật, 18/10/2015, 11h55

“Mồ côi tội lắm ai ơi!”

Cháu Hồ Văn  Iêu cùng ông nội Hồ Hiên

“Đã hai cái Tết rồi, cứ đêm nằm nhắm mắt lại, cảnh tượng tan tác khiến hai đứa trẻ mồ côi cứ hiện ra trước mắt tui như mới hôm qua. Ở tuổi ăn, tuổi học, đứa mô cũng có cha mẹ dắt dìu, còn tụi nhỏ thì bơ vơ như chim non trong bão…”, ông Hồ Hiên (82 tuổi) buông tiếng thở dài thườn thượt. 

Cơn cuồng ghen định mệnh

Đã gần 2 năm kể từ giây phút định mệnh khiến một gia đình đang yên ấm bỗng chốc tan tác, con qua đời, cháu mồ côi với ông bà Hồ Văn Hiên ở thôn Xa Bai (xã Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn như cơn ác mộng vừa xảy ra hôm qua. “Hôm nớ tui vừa ở trong rừng trở về thì thấy hai đứa cháu nhỏ hớt hải khóc chạy tới níu chặt chân. Nói được vài tiếng đứt quãng trong tiếng nấc nghẹn rồi chỉ tay về phía nhà của chúng. Tui chạy qua thì thấy đông bà con làng xóm tập trung đưa xác thằng Vân xuống khỏi cái dây thòng lọng. Còn vợ nó thì đã tử vong rồi…”. Ông Hiên thoáng rùng mình, hai giọt nước mắt rỉ ra từ đôi gò má nhăn nheo màu đồng hun... Cái ngày định mệnh ấy giáng xuống gia đình của ông Hiên là một chiều mưa lâm thâm, cái rét cuối đông ở chốn rừng thiêng nước độc cắt da cắt thịt. Hôm đó, anh Hồ Văn Vân (SN 1976) do cơn ghen tuông vô cớ đã nhẫn tâm sát hại vợ mình là chị Hồ Thị Sam (SN 1976), sau đó anh cũng tìm đến cái chết… Nhiều người sống xung quanh thôn Xà Bai tặc lưỡi, thằng Vân có nhiều biểu hiện của bệnh tâm thần... Không ai kiểm định sự thật, hoặc giả nếu có thì mọi sự đã rồi. Cuộc sống địa ngục trần gian của những cơn ghen tuông kết thúc từ giây phút đó. Nhưng còn đó nỗi đau đầu bạc đưa tiễn đầu xanh, còn đó hai đứa trẻ lên 10 không điểm tựa. Ngôi nhà sàn cheo leo vách núi trở thành nỗi ám ảnh khó nguôi trong lòng người ở lại. Ông bà Hiên sau nhiều ngày đổ bệnh, gượng dậy vì hai đứa cháu.

Thương thân phận mồ côi

Giữa cái nắng 400C, đã 12 giờ trưa nhưng cháu Hồ Thị Hiêu (12 tuổi) vẫn đi làm cỏ ruộng chưa về. Trong căn nhà nhỏ, cháu Hồ Văn Iêu (14 tuổi) đang ngồi dỗ dành hai đứa em con của chú ruột. Thấy khách lạ, Iêu tần ngần như không tìm ra chỗ hợp lý mời khách ngồi, em bẽn lẽn: “Chị đợi tí, ông nội em đi rẫy chắc sắp về”. 14 tuổi, Iêu chững chạc hơn nhiều so với bạn cùng trang lứa. Thất học, em chỉ quẩn quanh phụ giúp ông bà làm hai sào lúa rẫy, hai sào sắn, thời gian rảnh, Iêu ở nhà trông em cho chú thím khi họ lên nương. Iêu bảo: “Đợi đủ tuổi em xin đi bộ đội, hết nghĩa vụ về lập gia đình, xin một mảnh đất rồi dựng một mái nhà để ở”. Không biết nên buồn hay vui khi nghe Iêu nói vậy. Đó là điều thường diễn ra ở cái xó núi này. Hỏi về em gái, Iêu nói: “Hồi ba mẹ mới qua đời, hai anh em buồn lắm. Đêm nào cũng nằm khóc. Ông bà nội dỗ dành mãi không được thì cũng quát mắng rồi khóc theo. Mấy lần nhìn ông bà khóc, hai anh em thôi không khóc nữa”. “Năm nay em Hiêu lên lớp 7. Ngày nghỉ và hè thì em đi làm cỏ ruộng, nhổ sắn hoặc đi tuốt lúa để trả công cho bà con trong bản”.

Xế trưa, ông Hiên từ rẫy trở về, trên vai kẽo kẹt mấy nải chuối rừng. Ông loay hoay đặt nải chuối xuống, chọn trái chín chia cho các cháu rồi lật đật đi vo gạo nấu cơm trưa. Ông trầm giọng: “Gần hai năm ni, mẹ hắn buồn vì mất con nên đâm ra lẩn thẩn, dăm ba bữa buồn quá, bà ấy lại phải băng rừng lội suối đi đến các bản xa để thăm con cháu cho nguôi ngoai. Tui đi rẫy, trưa tranh thủ về nấu cơm”. Gánh nặng gia đình gần như dồn lên vai người đàn ông ngoài 80 tuổi. Đôi chân ông giờ đã mỏi, bước đi run run nhưng ông vẫn gượng lên nương. “Vợ chồng tui có cả thảy tám đứa con. Hai đứa mất, còn sáu đứa kia đều nghèo. Tui già vẫn phải làm nuôi mình, nuôi cháu. Chừ tui còn làm lụng được thêm ít tiền có công mỗi tháng, tiền phụ cấp của hai cháu nhỏ nên ít khi đứt bữa. Chỉ lo mai này cái chân không bước nổi để lên nương…”. Ông Hiên bỏ dở câu nói, đôi mắt ực nước. Dường như trong người đàn ông ấy, nỗi đau vẫn âm ỉ giằng xé. Dáng khắc khổ tạc vào bóng núi.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Anh Hồ Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh cho biết: “Tội nghiệp hai đứa trẻ lắm, mặc dù được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, sự hỗ trợ đỡ đầu của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, nhưng dù sao các cháu cũng cần có sự chăm sóc của ba mẹ!”.