Thứ năm, 6/7/2017, 21h22

Mỗi thầy cô là sứ giả của niềm vui

Với hai chuyên đề “Hiểu trẻ mới dạy được trẻ” và “Biến việc trẻ làm thành việc trẻ thích làm” do TS. Võ Văn Nam (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) báo cáo, các giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đã có dịp học hỏi và chia sẻ nhiều tình huống sư phạm, qua đó giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp cho bản thân.

TS. Võ Văn Nam (trái) đưa ra một tình huống sư phạm để giáo viên giải quyết

Cần đồng cảm chứ không phán xét

Nằm ở nội thành, lại là trường thực hiện mô hình giáo dục tiên tiến nên học sinh Trường THPT Nguyễn Du đa phần là con em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Trong đó, rất nhiều em là con một nên ba mẹ toàn tâm toàn ý phục vụ, chiều theo ý muốn của con khiến các em không tự lập, không biết làm những điều cơ bản nhất cho mình. Là giáo viên lâu năm tại trường, thầy Trần Văn Đức (giáo viên môn toán) đã đưa ra một ví dụ rất cụ thể từng xảy ra cách đây không lâu về một học sinh có ba là quan chức. Thầy Đức kể: “Em học sinh này không bỏ học, hôm nào cũng được ba đưa tới trường, vẫn vào trường nhưng lại chỉ lang thang ở hành lang, căng tin chứ không vào lớp. Em không quậy, cũng không hỗn hào với thầy cô. Tiếp xúc với phụ huynh, ba mẹ em cho biết họ đã trao đổi với con nhiều lần với thái độ nặng nhẹ khác nhau nhưng con không hề thay đổi. Họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất là con mình thi đậu tốt nghiệp THPT. Lúc đó, tôi đã khuyên phụ huynh nên tin tưởng con mình, cháu còn tới trường là còn tiếp xúc với thầy cô, bạn bè, chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Một thời gian sau, nhờ sự khơi gợi của thầy cô, em cũng chịu khó học hành, cũng thi đậu tốt nghiệp THPT đúng với nguyện vọng của ba mẹ. Từ câu chuyện này, tôi nhận thấy: Có những sự việc chỉ nên nhìn vào sự tích cực của học sinh, dù rằng kết quả đạt được chưa được như ý muốn. Sâu thẳm trong mỗi học sinh đều ẩn chứa những tiềm năng, một lời động viên, một sự định hướng kịp thời cũng sẽ giúp khơi gợi tiềm năng trong chính con người các em”.

Chia sẻ với câu chuyện này, TS. Võ Văn Nam đồng ý với suy nghĩ và cách xử sự của thầy Đức. Bản thân ông cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp học sinh tuy vật chất phủ phê nhưng tinh thần lại thiếu thốn, cô độc, lạc lõng, bế tắc ngay trong chính căn nhà của mình khi ba mẹ chỉ mải chạy theo tiền bạc, chức tước mà quên đi trách nhiệm làm cha, làm mẹ, phó mặc việc giáo dục lại cho nhà trường. Lấy ví dụ câu chuyện “Những người lớn” của tác giả Lý Lan, TS. Nam giúp giáo viên hiểu rằng, những em học sinh như vậy thường có xu hướng làm các hành động chống đối để được quan tâm chú ý, chứ bản thân các em hoàn toàn không muốn vậy. “Với những em học sinh này, việc chúng ta cần làm là một sự định hướng, là sự quan tâm, đồng cảm chứ không phải một lời phán xét. Trước khi đưa ra một quyết định, một nhận xét, một lời nói nào với học sinh, tôi mong các thầy cô hãy tìm hiểu kỹ về học sinh mình bởi hệ số cảm xúc của mỗi em đều khác nhau và nó sẽ quyết định thái độ của các em với sự việc đó. Bên cạnh việc dạy chữ thì chúng ta còn phải dạy các em làm người. Kiến thức thầy cô cung cấp sẽ không thể cạnh tranh lại với các phương tiện truyền thông hiện đại, chỉ cần nhấn nút là lên hàng loạt bài giảng, bài học với thời lượng, nội dung khác nhau. Vì vậy, tôi mong mỗi thầy cô hãy quan tâm nhiều hơn tới thái độ của học sinh mình, hãy là một sứ giả của niềm vui, đem lại sự tin tưởng để mỗi ngày tới trường của các em đều có ý nghĩa”, TS. Nam chia sẻ.

Một tình huống có nhiều cách giải quyết

“Trước khi đưa ra một quyết định, một nhận xét, một lời nói nào với học sinh, tôi mong các thầy cô hãy tìm hiểu kỹ về học sinh mình bởi hệ số cảm xúc của mỗi em đều khác nhau và nó sẽ quyết định thái độ của các em với sự việc đó”, TS. Võ Văn Nam nhắn nhủ.

TS. Võ Văn Nam ví mỗi thầy cô là một thợ may thủ công, mỗi học sinh là một thước đo, một trạng thái cảm xúc khác nhau nên không thể lấy cách của học sinh này để áp dụng cho học sinh khác. Cùng một tình huống nhưng sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau. Trước khi chờ sự thay đổi từ các cấp cao hơn, giáo viên nên tự mình thay đổi phương thức trước để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Một tình huống được coi khá phổ biến trong trường học là học sinh lơ đễnh, không tập trung vào bài giảng được đưa ra, các giáo viên đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết. Một thầy giáo dạy môn hóa chọn cách nhắc nhở hoặc đặt câu hỏi cho học sinh trong khi một giáo viên môn văn lại chọn cách tới gần học sinh đó để giảng hoặc nói to hơn để em chú ý tới mình. Một giáo viên có nhiều kinh nghiệm lại chọn cách quan sát thái độ của học sinh, nếu sự việc đó diễn ra liên tục thì sẽ nhắc nhở, nhưng nếu chỉ là tạm thời thì giáo viên sẽ tìm hiểu lý do và có cơ hội sẽ giảng lại để học sinh này hiểu. Trong khi đó, một giáo viên khác cho biết sẽ xem lại bài giảng của mình có phù hợp với học sinh đó hay không vì có thể em thích học bằng một loại phương tiện khác. Và nếu đúng, giáo viên này sẽ gọi học sinh và chuyển sang hình thức truyền giảng khác phù hợp hơn. “Dù chọn hình thức nào thì các thầy cô nên quan sát thái độ và sự thay đổi học sinh để xác nhận lại xem cách mình chọn liệu đã phải phù hợp với đối tượng học sinh đó hay chưa để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất”, TS. Nam nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Linh Vy