Thứ sáu, 9/10/2009, 17h10

Món ăn giúp trị chứng tim đập nhanh

 
Cây bách hợp.
Ở người bình thường nhịp đập của trái tim đều đặn và nó phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống điện của trái tim.
Một nhóm nhỏ các tế bào trên cao ở nhĩ phải điều khiển nhịp đập của trái tim. Nhóm này được gọi là nút xoang hay nút xoang nhĩ, ngoài ra trái tim cũng chịu ảnh hưởng của hệ thần kinh trung ương.
Khi có điều gì xảy ra làm cản trở hay gián đoạn hoạt động bình thường của hệ thống điện tim, các rối loạn về nhịp tim xảy ra.
Bình thường, tim đập 75-80 nhịp/phút. Khi hoạt động thể lực mạnh hoặc cảm xúc mạnh, nhịp tim lên tới 100 nhịp/phút hoặc hơn thế nữa, người ta gọi là trái tim “phi nước đại”. Ngoài việc dùng thuốc, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn bài thuốc để hỗ trợ điều trị:
Bánh phục linh bột mì: phục linh tán nhỏ, bột mì lượng như nhau, đường trắng, nước vừa đủ, quấy thành hồ đặc cho vào chảo đun nhỏ lửa, dàn mỏng, đun cho đến khi đặc lại, chín là được. Dùng ăn sáng.
Tác dụng bổ dưỡng tim, khí huyết, chữa chứng tim đập nhanh.
Tim lợn hấp với chu sa: dùng 1 quả tim lợn; 1,5g chu sa nhồi vào trong quả tim, hấp chín ăn. Tác dụng chữa chứng hồi hộp, tim đập loạn nhịp. Lưu ý chu sa có độc, dùng phải thận trọng, liều lượng đúng.
Hoa cúc, ngũ vị tử... luyện với mật ong: dùng ngũ vị tử, nhân hồ đào, vừng đen, hoa cúc mỗi thứ 100g. Tất cả đem sao vàng, tán nhỏ, luyện với mật ong. Mỗi lần ăn 10g, mỗi ngày 3 lần. Uống với nước sôi, uống vào lúc đói.
Có tác dụng bổ tim, an thần, chữa chứng tim đập mạnh.
Bột sâm, tam thất: mỗi lần dùng 4 lát mỏng sâm, 10g tam thất tán thành bột, uống với nước sôi. Mỗi ngày uống 1 lần, điều trị liên tục nhiều lần sẽ có hiệu quả.
Có tác dụng: giải phiền, ổn định tim, chữa chứng tim đập nhanh.
Ba ba hấp hoài sơn, long nhãn: hoài sơn và long nhãn mỗi thứ 15g, 1 con ba ba. Trước hết đem ba ba còn sống thả vào nước sôi, khiến ba ba bài tiết hết phân, nước tiểu, sau đó mổ ba ba, bỏ hết ruột, gan, rửa sạch. Cho hoài sơn, long nhãn vào trong bụng ba ba (để nguyên cả mai). Hấp cách thủy cho đến khi chín nhừ là ăn được.
Có tác dụng: giải phiền, hồi hộp, ổn định tim.
Thịt rùa nấu với bách hợp, táo tàu: thịt rùa 250g, bách hợp 30g, táo 10 quả. Nấu chín kỹ, ăn cái, uống nước.
Có tác dụng: giải phiền, khỏi hồi hộp, ổn định nhịp tim.
Tim lợn hấp bá tử nhân: mỗi lần dùng 10g bá tử nhân, 1 quả tim lợn. Cho bá tử nhân vào trong quả tim. Hấp cách thủy, 3 ngày ăn 1 lần, ăn 2-3 lần sẽ có hiệu quả.
Có tác dụng: giải độc, an thần, chữa chứng tim đập nhanh.
Táo tàu hầm với gan bò, dê: gan bò hoặc dê 150g, thái lát, táo 15 quả. Ninh nhừ, ăn cái, uống nước.
Có tác dụng: bổ tim, bổ khí huyết, bổ âm, chữa chứng tim đập nhanh.
Canh thịt lợn nạc với con sò: mỗi lần dùng 100g thịt sò tươi, 100g thịt lợn nạc. Cho nước vừa đủ, ít muối, ninh nhừ ăn vào 2 bữa cơm.
Có tác dụng: bổ hư, bổ huyết, ổn định nhịp tim.
Đậu đen, long nhãn, táo tàu: mỗi lần dùng 50g đậu đen, 15g long nhãn, 30g táo. Cho vào 3 bát nước, đun còn 2 bát. Chia làm 2 lần, ăn hết vào 2 buổi sáng, chiều.
Có tác dụng: bổ âm, huyết, tim, khí, chữa chứng tim đập nhanh.
Táo tàu hầm với tim dê: mỗi lần dùng 1 quả tim dê, rửa sạch, thái nhỏ, 15 quả táo. Cho muối vừa đủ, ninh nhừ, cho vào ít muối, gia vị ăn hết trong 1 lần.
Có tác dụng: khỏi hồi hộp lo sợ, bổ tim, an thần, ổn định nhịp đập của tim.
Thanh long nhãn đan sâm: long nhãn 30g, viễn trí 15g, đan sâm 15g, sắc kỹ cho vào ít đường đỏ. Mỗi ngày uống 2 lần thay nước chè.
Có tác dụng: bổ dưỡng tâm, tỳ, sinh huyết, khỏi tụ huyết, chữa chứng tim đập nhanh.
Lương y: Vũ Quốc Trung (SK&ĐS)