Thứ ba, 6/2/2018, 20h47

Môn ngữ văn: Kỹ năng ôn tập theo đề tham khảo

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa môn ngữ văn cho kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều ý kiến cho rằng đề tương đối khó. Bởi vì trong đề có sự tích hợp kiến thức giữa chương trình lớp 11 và 12. Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, đề thay đổi như thế là hợp lý, cũng không có gì là quá bất ngờ, vì thực chất dạng đề này đã từng được cho trước đây.

Thí sinh xem lại đề thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: D.Bình

Trên sự tổng hợp từ đề thi minh họa và chính thức năm 2017 và cùng với đề thi tham khảo năm nay, thí sinh (TS) cần chú ý đến những điểm sau đây để ôn tập cho thật hiệu quả.

Cần nắm vững cấu trúc đề thi

Đề thi minh họa năm 2018 cơ bản giống với các đề thi năm 2017 về thời gian làm bài, cấu trúc các phần, cách yêu cầu, thang điểm và dĩ nhiên đáp án chấm cũng ít có sự thay đổi. Đề vẫn gồm 2 phần: đọc hiểu (3.0 điểm) và làm văn (7.0 điểm). Ở phần đọc hiểu, đề cho 1 văn bản với 4 câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó. Ở phần làm văn, đề gồm 2 câu hỏi: Câu 1 (2.0 điểm) là yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ, có sự tích hợp nội dung với văn bản đọc hiểu. Câu 2 (5.0 điểm) yêu cầu nghị luận văn học, và có sự tích hợp kiến thức giữa chương lớp 12 và lớp 11. Như thế, nhìn chung đề thi 2018 chỉ khác với cấu trúc đề thi 2017 ở câu nghị luận văn học này. Mặc dù chỉ có một sự khác biệt nhưng TS cần phải chú ý, vì câu hỏi phần này chiếm đến một nửa tổng số điểm và độ khó của đề sẽ tăng lên rất nhiều, yêu cầu nhiều kiến thức trong chương trình hơn. Trong khi đó thời gian làm bài vẫn không thay đổi (120 phút).

Chú ý gì ở phần đọc hiểu?

Đối với phần đọc hiểu, các mức lượng giá kiến thức tăng dần theo độ khó trong 4 câu hỏi. Câu 1: nhận biết về kiến thức văn bản, kiến thức tiếng Việt nói chung. Câu này thường là 0.5 điểm, khá dễ vì chỉ cần xác định đúng là được. Tuy nhiên, nhiều TS vẫn mất điểm do không vững về kiến thức, hoặc do vội vàng. Cần chú ý nữa là câu hỏi này có tính chất đúng/sai rõ rệt, thường không có mức 0.25 điểm, nên TS phải trả lời chắc chắn, dứt khoát. Ở câu 2: đề yêu cầu “chỉ ra” từ văn bản sau khi đọc. Cách hỏi thường dùng là “theo tác giả…?”. Thang điểm cũng chỉ 0.5 điểm. Để làm tốt câu này, TS cần đọc kỹ toàn bộ văn bản, xác định đúng và đầy đủ những phần cần trả lời, nên đưa phần trả lời vào ngoặc kép. Ở câu 3: đề thường cho theo dạng trích một vài câu văn hay, tiêu biểu của văn bản, sau đó yêu cầu TS giải thích. Cách hỏi thường là “Theo anh/chị…?”. Điểm của câu này thường là 1.0 điểm. TS cần vận dụng tốt thao tác giải thích theo từng bước: từ, ngữ, vế, cả câu và rút ra ý nghĩa chung cho cả vấn đề, theo cách tìm hiểu nhiều lớp nghĩa. Không nên viết thành đoạn, mà nên theo các ý gạch đầu dòng. Câu 4: của phần đọc hiểu được xem là khó nhất (chiếm 1.0 điểm), đề thường trích một ý kiến từ văn bản và yêu cầu TS bình luận, nhận định. Cách hỏi thường có 2 vế: vế đầu yêu cầu TS phải có ý kiến tán thành/đồng ý hay không. Vế sau, TS phải giải thích vì sao lựa chọn chính kiến ấy. Nên chia thành 2 vế rạch ròi trong câu trả lời. Ở vế sau cần có sự lý giải thuyết phục, có thể đưa thêm những dẫn chứng liên hệ…

Viết đoạn văn như thế nào?

Đối với câu hỏi viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ), TS nên vận dụng chức năng, thao tác 3 phần của kỹ năng viết đoạn văn ngắn. Đó là, thay vì bài văn có ba phần (mở/thân/kết bài) và nhiều đoạn, thì đoạn văn cũng có ba phần: mở đoạn, triển khai và kết đoạn, nhưng chỉ viết một đoạn. Mở đoạn nên giới thiệu trực tiếp; phần triển khai đoạn cần vận dụng kết hợp nhưng có ưu tiên trong các thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ...; phần kết đoạn phải cho người đọc thấy được suy nghĩ, nhận thức của người viết, bài học gì rút ra từ vấn đề.

Cần chú ý là, mặc dù viết đoạn văn ngắn, nhưng đây là kiểu bài nghị luận xã hội, nên cần chú ý đến vốn sống xã hội và sự sáng tạo của người viết. Vốn sống xã hội là nguồn dẫn chứng phong phú cho bài làm. Nó giúp cho bài làm có chiều sâu. Để có kiến thức xã hội cần tập một thói quen quan sát, ghi nhớ. Nên theo dõi thông tin thời sự qua tin tức báo đài hàng ngày. Từ đó tập thói quen suy ngẫm, bàn luận về nó. Cần chia nguồn dẫn chứng phong phú này thành từng chùm đề tài riêng. Yêu cầu về sự sáng tạo thể hiện ở bài viết có cách diễn đạt độc đáo như viết câu, dùng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm... Bài viết thể hiện được quan điểm, thái độ, giọng điệu riêng, sâu sắc, hấp dẫn.

Tích hợp như thế nào ở chương trình lớp 12 và 11?

Như trên đã nói, đây là câu hỏi có sự thay đổi và quan trọng nhất của đề thi năm nay. Trước hết TS phải có kiến thức hệ thống của toàn bộ chương trình lớp 12 và lớp 11. Đề thường tích hợp theo yêu cầu từ chương trình lớp 12 trước, sau đó liên hệ với chương trình lớp 11 sau. Thang điểm thường được tính là chương trình lớp 12: 2/3 trên tổng điểm, lớp 11: 1/3 trên tổng điểm. Đề tích hợp cho nên cách hỏi theo hướng mở và vô cùng phong phú, đa dạng về yêu cầu.

Khảo sát toàn bộ 2 chương trình, có thể thấy các cách tích hợp sau: tích hợp hai tác phẩm của cùng một tác giả, như đề tham khảo 2018 vừa qua; tích hợp theo nhóm nhân vật, nhóm đề tài, nhóm chủ đề; tích hợp theo phong cách sáng tác; tích hợp để so sánh làm nổi bật 2 trào lưu văn học; tích hợp so sánh một khía cạnh nào đó về nội dung (như giá trị hiện thực, nhân đạo), giá trị nghệ thuật (như tình huống, chi tiết, cách kết thúc…), tích hợp so sánh 2 đoạn văn xuôi, 2 đoạn thơ của 2 chương trình… Mặc dù tích hợp theo dạng nào, thì cũng phải thấy rằng, do cách hỏi mở, cho nên quan trọng nhất là TS phải xây dựng được một hướng triển khai theo một dàn bài thật hợp lý.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)