Thứ tư, 21/10/2015, 08h50

Mong đợi đường sách TP.HCM

Đường sách TP.HCM đang được khởi công và dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 11-2015

Tháng 11-2015, đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM) sẽ chính thức hoạt động. Đây thật sự là niềm vui lớn của người yêu sách, giới làm sách Sài Gòn sau một thời gian dài mong đợi.

Người dân Sài Gòn cũng kỳ vọng vào một con đường sách cố định hoạt động hiệu quả, thật sự là chiếc cầu nối giữa tác giả - người đọc, người đọc - nhà làm sách và là nơi trao đổi, giao lưu văn hóa, góp phần định hướng văn hóa đọc.

Sài Gòn từng có một con đường sách

“Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ… đều có đường sách hoạt động rất hiệu quả. Với thành phố khoảng 8 triệu dân như TP.HCM, một con đường sách thôi chưa đủ, làm thế nào để quy hoạch thành những phố sách liền kề như các con phố ẩm thực, lồng đèn, thời trang… đã và đang tồn tại là cần thiết”, ông Đỗ Văn Thêm, người hơn 30 năm trong nghề mua bán sách cũ ở Sài Gòn kỳ vọng.

Tại TP.HCM trước và sau 1975 có nhiều cửa hàng sách cũ tập trung ở các con đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đường sách Đặng Thị Nhu, con đường nối liền hai đường Calmette và Ký Con thuộc P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 hiện nay.

Trong ký ức của những người từng sống và làm việc ở Sài Gòn những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn in đậm một con đường sách nằm ở trung tâm thành phố. Sinh thời, nhà văn Sơn Nam thường nhắc về con đường sách này mỗi khi nói chuyện về văn hóa đọc. Theo cố nhà văn, dù chiều dài chỉ khoảng 200m nhưng hoạt động khá nhộn nhịp, cửa hàng sách bày san sát nhau. Đây cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu và hàn huyên giữa nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Hà Nội một thuở.

Ông Lê Trần Phong (75 tuổi, ngụ P.Tân Định, Q.1) cho biết, lúc bấy giờ ông thường hẹn gặp bạn bè, đồng nghiệp ở đường sách Đặng Thị Nhu. Những ngày cuối tuần, không chỉ người Sài Gòn mà người yêu sách các tỉnh miền Đông, miền Tây cũng về đây tìm mua, trao đổi những đầu sách quý phục vụ chuyên môn, nghề nghiệp của mình. Cũng theo ông Phong, ý tưởng một con đường sách cố định cũng không phải là mới. Tuy nhiên, điều người dân mong mỏi là làm thế nào để đường sách hoạt động hiệu quả, không bị “chết yểu” gây lãng phí và nhiều hệ lụy khác.

Không gian cho người yêu sách

Con đường sách trong mơ sắp thành hiện thực. Có được đường sách TP.HCM không thể không nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của chính quyền TP.HCM, Sở TT-TT và Văn  phòng phía Nam của Hội Xuất bản, đơn vị đã xây dựng đề án và trình cơ quan chức năng.

Theo thiết kế, đường sách có khoảng 20 gian hàng, hiện nay đã được các nhà xuất bản, công ty sách tham gia hoạt động. Được biết, ngoài gian hàng sách sẽ kết hợp không gian cà phê sách, sưu tập tem, quà lưu niệm… phục vụ du khách. Đường sách TP.HCM không chỉ đơn giản là không gian cho người yêu sách mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu và trao đổi các hoạt động văn hóa, trao đổi kinh nghiệm làm sách. Bên cạnh đó, đây còn là địa chỉ thích hợp để thực hiện quảng bá những tác phẩm mới, tổ chức các phiên chợ mua bán, trao đổi sách mới và cũ.

Trước đó, giới làm sách Sài Gòn mong mỏi thành phố cần có một con đường chuyên về sách, ở đó không chỉ đáp ứng nhu cầu của người đọc mà còn để quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam thông qua những tác phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch. Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21-4) lần 2, TP.HCM cũng đã đưa đường sách TP.HCM vào hoạt động để nhận ý kiến đóng góp từ nhiều phía. Dù chỉ trong 4 ngày (từ 18 đến 21-4) với quy mô nhỏ nhưng cũng được các đơn vị xuất bản, giới kinh doanh và đặc biệt là đông đảo người dân thành phố hưởng ứng tích cực.

Mở đầu hoạt động đường sách TP.HCM là triển lãm, giới thiệu bộ sách Nam kỳ khởi nghĩa và ra mắt cuốn sách Tiếng sóng bủa ghềnh của bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhân kỷ niệm 75 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940/ 23-11-2015).

Bài, ảnh: Trần Anh

Không gian cho người yêu sách

Đường Nguyễn Văn Bình nằm cạnh Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố có chiều dài chưa đầy 150m là một trong những con đường đẹp, hai bên hàng me xanh ngắt thơ mộng phù hợp cho không gian sách. Đường sách là một công trình đánh dấu sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền thành phố trong việc tạo điều kiện để thành phố năng động có một không gian cho người yêu sách.