Thứ năm, 28/2/2013, 12h02

Một cách giảng dạy lịch sử Việt Nam

Cải lương từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, nhất là ở đồng bằng Nam bộ. Cải lương đã mang lại cho chúng ta những phút giây thư giãn mang đậm nét hồn quê của dân tộc Việt. Ở góc nhìn sư phạm, chúng ta có thể vận dụng cải lương trong việc giảng dạy lịch sử Việt Nam.
Trong nguồn tư liệu cải lương, có rất nhiều vở tuồng lịch sử đã đi vào lòng khán giả bao thế hệ. Tùy vào nội dung bài học mà giáo viên có thể minh họa một trích đoạn trong vở tuồng nào đó cho thích hợp. Lấy ví dụ, khi giảng bài về Hai Bà Trưng, giáo viên có thể cho học sinh xem đoạn trích trong Tiếng trống Mê Linh lúc hai bà giương cao ngọn cờ khởi nghĩa dù biết được tin Thi Sách đã bị Tô Định bắt giữ. Hay một trích đoạn trong vở Nhụy Kiều tướng quân cũng có thể minh họa cho bài học nói về Bà Triệu. Hoặc trích đoạn lúc Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ thần bên dòng sông Như Nguyệt trong vở tuồng Câu thơ yên ngựa là một minh họa để chúng ta giảng dạy bài Cuộc kháng chiến chống Tống vào thời Lý… Còn rất nhiều dữ liệu trong kho tàng cải lương Việt Nam mà giáo viên có thể vận dụng để tiết dạy môn lịch sử sinh động và hấp dẫn học sinh hơn.
Một điều rất quan trọng khi chúng ta sử dụng những trích đoạn cải lương để minh họa cho tiết dạy là người giáo viên phải linh hoạt, hay nói cách khác là phải biết khi nào và làm thế nào để đưa tư liệu vào bài giảng của mình thì mới đạt hiệu quả cao. Giáo viên nên sử dụng những trích đoạn cải lương như bao dụng cụ trực quan hay thiết bị dạy học khác chứ đừng lạm dụng thì mới thành công.
Sử dụng những trích đoạn cải lương để minh họa cho tiết dạy lịch sử Việt Nam là một trong những hình thức đa dạng hóa phương pháp giảng dạy. Giáo viên có thể sử dụng nguồn băng đĩa trên thị trường hay tải từ mạng internet những clip cải lương phục vụ cho việc giảng dạy. Ở một góc nhìn khác, thông qua những vở tuồng lịch sử, chúng ta cũng giáo dục học sinh ý thức về cội nguồn dân tộc qua việc khơi gợi lại trong các em một loại hình nghệ thuật độc đáo của con người Việt Nam.
Lê Tấn Thời
(GV Trường THCS Thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, An Giang)