Thứ năm, 24/11/2016, 20h51

Một chân vẫn đến trường

Hơn 3 tháng ròng rã điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, kết thúc những cuộc phẫu thuật, dứt những cơn đau tê dại, cô bé Hồ Thị Dôm vẫn len lén lật gối lấy ra những tập sách lớp 10 để lần mò đọc. Đã 9 năm đến trường trên một chân, và kể cả khi phải bảo lưu một năm học để thực hiện phẫu thuật phục hồi chiếc chân còn lại, khát vọng thạo con chữ, trở thành cô giáo vẫn chưa hề nguội tắt trong cô bé đồng bào Giẻ Triêng ấy…

9 năm với một chân đến trường, Hồ Thị Dôm vẫn nuôi ước mơ trở thành cô giáo

1.Gặp em Hồ Thị Dôm, người đồng bào Giẻ Triêng (nguyên HS lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng sau khi em vừa trải qua hai ca phẫu thuật chân phải, em vẫn miệt mài trong phòng tập phục hồi. Những giọt mồ hôi ướt đẫm áo, những cơn đau vẫn còn đọng lại đâu đó trên gương mặt nhưng em vẫn cười rất tươi. “Chỉ còn một ca phẫu thuật kéo khớp gối, em sẽ đi lại được, sẽ về nhà tập trung ôn bài và chờ năm học mới để tiếp tục được đến trường”, giọng Dôm đầy hi vọng. Nhìn cô bé với nụ cười rạng rỡ, ít ai nghĩ em đã trải qua quãng thời gian dài với nghị lực phi thường. Cất tiếng khóc chào đời, Dôm là một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh. Bất hạnh đến với em khi chưa đầy tuổi, trong một lần sơ ý của mẹ, Dôm đã bò qua bếp lửa giữa ngôi nhà sàn của mình. Sau đận ấy, thân thể lành lặn nhưng chân phải của em bị bỏng nặng. Dôm là con út trong gia đình dân tộc thiểu số đông anh em, bố mất sớm. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, cái nghèo bám riết quanh năm. Bà Hồ Thị Kiên một nách tới 5 đứa con, chồng mất sớm, một mình bà quần quật suốt ngày trên nương rẫy nên việc đưa con về miền xuôi chữa trị là điều bà chưa dám nghĩ đến. Thương con, bà chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng và chấp nhận.

Cô giáo Trần Thị Thuận, giáo viên chủ nhiệm Dôm năm học lớp 9 cho biết: “Dôm là học trò chăm ngoan, chịu khó học hỏi và có nghị lực phi thường. Dù điều kiện gia đình khó khăn, việc đi lại hết sức vất vả nhưng em không vắng mặt dù chỉ một tiết học, luôn là học sinh khá nằm trong tốp 3 của lớp”. 

Cái khó bủa vây, trong ý nghĩ của người mẹ nghèo ấy, có lẽ bà chưa bao giờ hình dung ngày con mình tới tuổi đến trường, hoặc giả, với đồng bào vùng cao, con chữ không làm no cái bụng! “Lên 6 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, con cũng đòi theo. Nhưng nhà neo người, bố mất sớm, tui chỉ đưa con đến trường được vài bữa, chủ yếu xin cô giáo cho con nhập học, rồi cũng phải đi làm ăn”. Nhà cách trường mấy quả đồi, bạn bè cùng trang lứa chỉ mất 20 phút đến trường thì Dôm mất gấp nhiều lần hơn thế. Không người đưa đón, không xe đạp, xe đẩy, không nạng gỗ, Dôm miệt mài lò cò đến trường. “Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa có khi trơn ngã, lấm lem bùn đất từ chân lên đầu tóc, cặp sách. Nên cứ mùa mưa, em lại phải đem theo áo quần dự phòng, nhỡ vấp ngã để thay, cũng có khi mặc quần áo bẩn suốt buổi”, Dôm kể. Suốt 8 năm ròng rã, ngày ngày cô bé Hồ Thị Dôm vẫn đều đặn đến trường tìm chữ trên một chiếc chân trái. Hỏi em có lúc nào nản không? Dôm cười: “Những năm đầu khi chân còn yếu lại phải đi một quãng đường xa, vai mang thêm cặp sách, nhiều lần ngã đến phát khóc nhưng em thích đi học nên vẫn cố gắng để đi, lâu dần thành quen, lên các lớp lớn em ít bị vấp ngã hơn”. “Năm lên lớp 9, một nhà hảo tâm đã tặng cho em đôi nạng. Từ đó những bước chân đến trường đỡ nhọc nhằn hơn”, Dôm nói thêm.

2.Trải qua ca phẫu thuật thứ 2, cắt rời các vết da dính và nắn thẳng bàn chân phải, gương mặt non nớt của cô bé tuổi 13 vẫn còn vương đôi chút nếp hằn của những cơn đau hậu phẫu. Dôm cho biết, ca phẫu thuật do các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm hỗ trợ, cùng sự tận tâm của các bác sĩ điều trị. Cùng niềm hi vọng sẽ được bước đi trên đôi chân mình, được trở lại trường là động lực để suốt 3 tháng ròng Dôm đánh vật một mình trên giường bệnh, trong phòng tập vật lý trị liệu. Thi thoảng mẹ và anh trai có xuống thăm, nhưng cuộc sống khó khăn nên không ai có thể ở lại cùng em suốt mấy tháng, chờ cho đến ngày đôi chân trở nên lành lặn. Em lại một mình gắng gượng, nỗ lực như cái cách 9 năm qua em vẫn nỗ lực đến trường. Hỏi em một mình đánh vật với ngần ấy nỗi đau, sự cô đơn, em có buồn không? Dôm nói: “Đôi lúc cũng cảm thấy buồn nhưng em biết ở nhà mẹ cũng còn vất vả, sau này muốn có một tương lai ổn hơn, tự đi được thì phải tự động viên mình cố gắng. Mong sao ngày trở lại trường em có thể bước đi vững vàng trên đôi chân mà không phải lò cò một chân nữa”.

Chia tay Dôm, tôi vẫn nghe rõ mồn một lời tâm tư như độc thoại mà ẩn chứa nghị lực phi thường của em: “Chắc chắn năm học tới em sẽ trở lại trường. Sẽ ráng học giỏi để trở thành cô giáo, về làng quê mình dạy lại cái chữ cho các em ở làng vẫn còn nghèo khó”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên