Thứ ba, 19/6/2018, 21h18

Một chút băn khoăn…

Những năm gần đây, ngành giáo dục đã thực hiện việc dạy trẻ hòa nhập. Đây là chủ trương rất đúng, đầy tính nhân văn bởi trẻ khuyết tật nào rồi cũng sẽ rời khỏi vòng tay cha mẹ để bước vào xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian dạy trẻ hòa nhập, tôi có vài băn khoăn.

Khi dạy trẻ khuyết tật về cơ thể, mặc dù giáo viên rất vất vả nhưng nếu cố gắng, giáo viên cũng hoàn thành tốt trách nhiệm của mình và không ảnh hưởng gì nhiều đến học sinh khác trong lớp. Mặt khác, có trẻ khuyết tật về cơ thể học trong lớp, thầy cô còn có thể dễ dàng giáo dục các em học sinh khác về lòng nhân ái, cách giúp đỡ người khuyết tật, tinh thần vượt khó… Thế nhưng, nếu trẻ hòa nhập là các em có vấn đề về mặt tâm thần thì lại có ảnh hưởng rất lớn trong việc sinh hoạt, học tập của các em học sinh khác trong lớp.

Tôi từng dạy em X. - một học sinh học hòa nhập ở lớp 5. Theo hồ sơ chẩn đoán y khoa, em bị tâm thần nhẹ. Em khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ và trí tuệ. Vì vậy X. không thể diễn đạt được một câu trọn vẹn, em chỉ trả lời bằng từ ngữ ngắn gọn khi được người hỏi lặp lại câu hỏi nhiều lần. Em tư duy kém nên không thể giải được các bài toán có lời văn hay các câu hỏi đòi hỏi phải có suy nghĩ mới trả lời được. Những điều đó chỉ là trở ngại với em và thầy cô, bạn bè trong giao tiếp, học tập nhưng cũng có thể khắc phục được. Điều đáng nói là em không chịu được tiếng ồn. Nghe tiếng ồn ào kéo dài, em như hoảng loạn, la hét, khóc lóc. Những ngày đầu nhận em vào lớp, tôi không biết điều này. Khi tôi cho cả lớp hát và vỗ tay, bài hát chưa dứt, X. ôm đầu, hét lớn: “Im đi, nhức đầu quá”, rồi khóc thảm thiết. Tôi và tất cả học sinh trong lớp cũng hoảng hốt theo. Lần khác, cô giáo dạy Anh văn cho cả lớp đọc tiếng Anh thật to theo máy, X. đã lao đến, nắm tay cô giáo, kéo cô ra khỏi lớp và hét lớn: “Đi ra ngoài, không học nữa”. Gương mặt cô giáo xanh lét vì sợ hãi.

Biết X. như thế nên từ đó đến hết năm học, tôi đã không dám cho cả lớp đọc đồng thanh, hát tập thể hay chơi trò chơi ồn ào. Tôi cũng trao đổi với các giáo viên bộ môn để thầy cô biết mà hạn chế việc gây tiếng ồn quá lớn, quá dài trong tiết dạy.

Tôi nghĩ, vì muốn X. được học hòa nhập mà không chỉ tôi, các giáo viên bộ môn phải cố gắng hết sức mà tất cả học sinh còn lại trong lớp cũng phải chịu đựng điều bất thường của em trong suốt năm học. Các em ấy không được học hành, sinh hoạt thoải mái như bạn bè lớp khác. Vậy thì có bất công cho các em không? Có nên cho trẻ có vấn đề về tâm thần như X. học chung với học sinh bình thường không?

Lê Phương Trí