Thứ bảy, 12/12/2015, 22h25

Một đời đào kép độc

Bài cuối: “Đệ nhất đào lẳng” Mai Lan

Được mệnh danh là “đệ nhất đào lẳng” của sân khấu Nam bộ một thời, nghệ sĩ Mai Lan in dấu trong lòng khán giả với nhiều vai diễn tính cách. Dù là sân khấu cải lương hay sân khấu kịch nói, nghệ sĩ Mai Lan luôn là bảo chứng cho những vai đào độc, đào lẳng.

“Ác như quỷ”

14 tuổi, Nguyễn Thị Lan đã chập chững làm quen với ánh đèn sân khấu. Nghệ danh Mai Lan là do ông bầu Thanh Tao đặt cho bà. Từ dạo ấy, cái tên đó gắn với bà trong từng vai diễn. Từ những vai múa, người hầu, bà dần bén duyên với các vai đào độc, đào lẳng và bắt đầu nổi danh với hàng loạt vở diễn như: Lỡ bước sang ngang, Đoạn tuyệt, Lan và Điệp... Đến với sân khấu kịch nói, nghệ sĩ Mai Lan lại “làm mưa làm gió” ở nhiều đoàn kịch với các vai diễn trong Trà hoa nữ, Chiến công thầm lặng... Bà đóng đạt đến độ khán giả chỉ cần thấy bóng bà đã thể hiện rõ niềm căm ghét, phẫn nộ, chửi rủa bà.

Nghệ sĩ Mai Lan trong những ngày chống chọi với bệnh tật

“Cái nghiệp con tằm nhả tơ, tơ hết rồi mà lòng vẫn chưa nguôi. Đau đáu lắm. Nhớ nghề nhưng đành chịu thôi”, nghệ sĩ Mai Lan bộc bạch.

Dòng ký ức nghệ sĩ Mai Lan ngưng vào những năm tháng buồn vui của đời nghệ sĩ. Những đêm diễn nhiều kỷ niệm, mang theo giấc mơ của cô đào đang ở độ chín của tài năng. Ban đầu, thoáng chút trăn trở, bà luôn tự hỏi sao mình cứ đóng những vai ác đặng bị khán giả ghét nhiều đến vậy. Dần dần, bà nhận ra nghệ thuật không có chỗ cho những giới hạn, có vai này thì phải có vai kia. Nói chuyện xưa nhẹ tênh, bà vui vẻ kể: “Lúc mới vào nghề, tôi cũng lắm lúc tủi thân vì ngẫm chả lẽ đời mình đóng vai hầu hoài, sao mù mịt quá. Chẳng bao lâu sau, tôi được đoàn giao vai đào lẳng, chuyên trị những vai ác. Trước đêm diễn nào, tôi cũng nôn nao vì không biết khi diễn xong có bị khán giả chửi te tua không”. Với vở Đoạn tuyệt (soạn giả Duy Lân), bà từng thành công với vai bà Phán Hợi. Với vở Lan và Điệp (soạn giả Loan Thảo), bà được khán giả nhắc đến với vai bà phủ Trần. Tác phẩm này do Hãng dĩa Việt Nam thực hiện cuối năm 1973, đến năm 1974 mới phát hành và nhận được nhiều tình cảm của khán giả.

Không chỉ “tung hoành” ở sân khấu cải lương, nghệ sĩ Mai Lan bén duyên sân khấu kịch nói với những vai diễn để đời. Khi cùng đoàn Kim Cương ra mắt vở diễn Trà hoa nữ, bà nhận được sự khen ngợi hết lời từ đồng nghiệp, khán giả. “Có lần, đoàn Kim Cương mang vở Trà hoa nữ về diễn ở Cần Thơ. Khi tôi đang diễn say sưa thì có một khán giả ở dưới định xông lên sân khấu đánh tôi. Giây phút ấy, tôi sợ xanh mặt. May mà có người cản họ lại. Họ xem tôi diễn vai Bích Vân mà căm ghét tôi đến độ chửi tôi ác như quỷ”, nghệ sĩ Mai Lan kể lại. Sau vai diễn đó, nhiều người vẫn quen gọi bà là Bích Vân. Sân khấu kịch Kim Cương chính là nơi đã giúp nghệ sĩ Mai Lan tỏa sáng, thể hiện hết tài năng của mình. Có lúc khán giả không còn phân biệt Mai Lan là nghệ sĩ kịch hay nghệ sĩ cải lương. Quen đóng vai ác nên bà luôn tìm cách từ chối những vai tử tế. Được nghệ sĩ Kim Cương động viên mãi bà mới nhận lời vào vai bà nội trong vở Bông hồng cài áo. “Một vai Việt kiều ở Pháp về nước, lịch lãm, điềm tĩnh, tuy có ích kỷ một chút nhưng không đến nỗi quá ác so với những vai diễn trước đây của tôi”, bà nói mà đôi mắt đang mê mải đâu đó trong giấc mơ của những ngày xa lắc lơ…

Tơ hết mà lòng vẫn chưa nguôi

Nghệ sĩ Tú Trinh đang trang điểm cho nghệ sĩ Mai Lan

Trong những câu chuyện kể của mình, nghệ sĩ Mai Lan luôn nhắc đến NSND Kim Cương với một lòng biết ơn sâu sắc. Họ không chỉ là bạn diễn ăn ý trên sân khấu mà còn là chị em thân tình ở ngoài đời. Những ngày chống chọi với bệnh tật, nghệ sĩ Mai Lan ấm lòng hơn khi bà cảm nhận được tình nghệ sĩ của NSND Kim Cương và các đồng nghiệp cũ. Trong dịp mừng thọ nghệ sĩ Mai Lan 70 tuổi, nhiều nghệ sĩ gạo cội của Sân khấu TP.HCM đã quây quần bên nhau khiến bà cảm động và bật khóc.

Năm 1995, nghệ sĩ Mai Lan tham gia cùng Đoàn văn công TP.HCM trong một chuyến lưu diễn. Một tai nạn giao thông đã khiến đôi chân của bà không thể đi lại được. Bà đành rời xa ánh đèn sân khấu từ dạo đó. Nhiều lần xem ti vi, ngó qua màn hình thấy đang chiếu một vở cải lương hay kịch, mắt bà tự dưng đỏ hoe. Nén tiếng thở dài, bà nhớ những ngày đã xa. “Cái nghiệp con tằm nhả tơ, tơ hết rồi mà lòng vẫn chưa nguôi. Đau đáu lắm. Nhớ nghề nhưng đành chịu thôi”, nghệ sĩ Mai Lan bộc bạch.

Giấu buồn vui vào trong, trò chuyện với nghệ sĩ Mai Lan, người đối diện chỉ thấy bà cười, hào hứng kể đủ chuyện. Thỉnh thoảng, bà lại nén cơn đau của bệnh tắc tĩnh mạch hành hạ, nén cả hơi thở dài nặng nhọc. Đời bà ngó vậy mà buồn hiu hắt. Ngày trước, bà chia tay chồng vì bị ông cấm đi hát. Đấu tranh tâm lý suốt một thời gian, bà mỉm cười chấp nhận cái kết không có hậu của hôn nhân, xem như duyên đã hết. Không ít lần chông chênh, nghiêng ngả nhưng vì yêu nghề, bà vẫn bám trụ.

Năm tháng làm hằn lên những nếp nhăn, đồi mồi trên khuôn mặt cô đào lẳng ngày nào. Thỉnh thoảng, chuyến xe khách từ Long An đưa bà lên TP.HCM để tái khám. Cuộc sống cơ cực lại thêm bệnh tật nhưng nghệ sĩ Mai Lan vẫn lạc quan. Chỉ cần ai đó khơi chuyện về sân khấu là bà lại chia sẻ như không muốn dừng lại. Không đi diễn được nữa nên mỗi lần được gặp bạn diễn cũ, bà vui lắm. Sau những cuộc hội ngộ ngắn ngủi ấy, nghệ sĩ Mai Lan lại trở về với trống trải, mênh mông, với những cơn đau đớn về thể xác do bệnh tật hành hạ. Lắm lúc giữa đêm tối, bà lặng người đi khi thinh không vọng lại tiếng gọi của chính mình. Bà nhớ ánh đèn sân khấu đến nao lòng...

Bài, ảnh: Yên Hà