Thứ hai, 30/11/2015, 10h21

Một đời đào kép độc: Bài 2: Con tằm trọn kiếp nhả tơ

NSƯT Trường Sơn và vợ (ảnh nhân vật cung cấp)

Gắn trọn cuộc đời mình với sân khấu tuồng cổ, NSƯT Trường Sơn được khán giả biết đến với nhiều vai diễn đặc sắc. Không ngừng cống hiến tài năng, tâm huyết của mình, ông lặng lẽ giữ gìn viên ngọc quý của nghệ thuật cải lương.

Lặng lẽ cống hiến

Trong căn nhà nhỏ của NSƯT Trường Sơn ở một con hẻm dẫn vào đình Thái Hưng (trước đây là đình Cầu Quan - Q.1), những hình ảnh, bằng khen được ông treo kín bức tường cũ kỹ. Một hành trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi, gia tài của người nghệ sĩ chuyên trị những vai kép độc chỉ giản dị vậy thôi.

Giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật cải lương Nam bộ, tên tuổi của NSƯT Trường Sơn lừng lẫy khắp các sân khấu. Sự nghiệp của ông có nhiều vai để nhớ, để khán giả xem một lần là ấn tượng mãi mãi, nhất là giai đoạn ông hát trên sân khấu của cha vợ là nghệ sĩ Minh Tơ. Khán giả yêu cải lương Nam bộ một thời ấn tượng với những vai diễn của ông như: Lữ Bố, Ngũ Tử Tư, Tô Định, Bao Công, Khiến Bình, Lý Đạo Thành... Mỗi vai diễn đều được ông chăm chút để chạm vào trái tim khán giả. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có dòng máu nghệ thuật nên ngay từ lúc bé thơ, NSƯT Trường Sơn đã bị nghệ thuật cải lương cuốn hút. Cha của ông là nghệ sĩ Bảy Đực, người nghệ sĩ đánh trống tài danh trong nghệ thuật hát bội và hát tuồng cổ trong hàng mấy chục năm trên sân khấu các đoàn hát Vĩnh Xuân - Khánh Hồng, Minh Tơ - Khánh Hồng, đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. “Ngày bé, nhà tôi ở ngay đình Cầu Quan. Tôi có cái may mắn khi được nhiều người chỉ bảo, dẫn dắt tôi vào nghề. Tôi tập tễnh làm quen với nghề từ việc nhỏ nhất như đi mua nước đá giúp các cô, chú trong đoàn. Nhiều lần nép sau cánh gà nghe cha đánh trống, xem các cô, chú biểu diễn, tình yêu sân khấu lớn lên trong tôi từ dạo đó...”, NSƯT Trường Sơn kể lại.

NSƯT Trường Sơn trong vai Lữ Bố

Những ngày tháng rong ruổi cùng đoàn Đồng Ấu Minh Tơ biểu diễn khắp các sân khấu lớn, nhỏ ở Nam bộ, NSƯT Trường Sơn để lại một dấu ấn trong lòng khán giả bởi phong cách trình diễn độc đáo, sáng tạo với các vai kép võ, kép văn như:  Bàng Đức (Bao Công đại chiến Bàng Đức), Nguyễn Địa Lô (Cánh nhạn mù sương), Tôn Thất Thuyết (Giai nhân dũng tướng), Bàng Hồng (Xử án Bàng Quí Phi), Tô Hiến Thành (Tô Hiến Thành xử án), Bao Công (Bao Công vô lò gạch, Bao Công xử án Ngọc Tuyền), Hoàng Phi Hổ (Hoàng Phi Hồ qui châu). Những đêm sân khấu sáng đèn, khán giả xếp hàng dài ngoằng để mua vé dù có thể đêm ấy, NSƯT Trường Sơn chỉ diễn vai phụ. Không ít những vai phụ của ông được khán giả khen ngợi như: Kiết Bình (Mã Siêu báo phu cừu), Dương Nghiệp (Dương Gia tướng), Ngũ Tử Tư (Giang sơn và mỹ nhân), Dương Sở Thành (Thái Bình công chúa), Chúc Viên Ngoại (Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài), hòa thượng (Thanh Xà - Bạch Xà)...

Dù là vai diễn chính hay phụ, NSƯT Trường Sơn cũng thể hiện được chiều sâu của nhân vật. Ông dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho vai diễn từ động tác cho đến giọng ca. Có lần, ông vừa mổ mắt xong nhưng vẫn lên sân khấu diễn tròn vai Kiết Bình trong vở Mã Siêu báo phu cừu để không phụ lòng khán giả đã tìm đến rạp. Nổi tiếng, tài hoa, NSƯT Trường Sơn là thần tượng của biết bao giai nhân. Thế nhưng, ông chưa bao giờ để mình lạc lối bởi ông trân trọng, nâng niu hạnh phúc gia đình mà nghệ sĩ Thanh Loan đã cùng ông vun đắp. Nghệ sĩ Thanh Loan cũng từng “đình đám” các sân khấu cải lương với những vai diễn để đời. Họ tìm được tiếng nói chung trong nghệ thuật và cuộc sống nên hạnh phúc thăng hoa, bình yên dẫu bên ngoài cánh cửa, bao giông bão luôn rập rình.

Nỗi niềm đau đáu  

NSƯT Trường Sơn đã sống và lao động nghệ thuật miệt mài. Càng yêu nghề, ông càng xót xa khi nghệ thuật cải lương dần mất đi vị trí trong lòng khán giả. Muốn lưu giữ tuồng cổ không phải là việc dễ dàng bởi sự phát triển của công nghệ giải trí hiện nay. Những người nghệ sĩ từng gắn bó cả cuộc đời mình với sân khấu cải lương tuồng cổ Nam bộ làm sao không khỏi băn khoăn khi muốn dựng tuồng phải đau đáu với vấn đề kinh tế, sự quan tâm của khán giả ngày một ít đi...

Khi các con của mình quyết định nối nghiệp cha, ông không giấu được niềm trăn trở nhưng chưa khi nào ông cấm cản, bởi ông biết như vậy là sẽ có lỗi với tổ nghiệp. “Ông bà đã cho tôi cái nghề, nay lại cho các con của tôi tiếp tục con đường đó, nếu mình ngăn cản thì mang tội lắm. Tôi chỉ dạy các con hãy sống hết mình với nghề khi còn có thể. Có lần, xem con gái biểu diễn ở một sân khấu, khán giả thưa vắng, tôi rớt nước mắt”, NSƯT Trường Sơn tâm sự. Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông và nghệ sĩ Thanh Loan đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu cải lương, được khán giả ái mộ. Dẫu biết con đường nghệ thuật mà các con đang đi đầy khó khăn, thử thách nhưng ông luôn động viên, cố gắng truyền đạt kinh nghiệm của mình để các con có thể tiếp tục giữ gìn, phát triển nghệ thuật cải lương. Khi hai cháu ngoại của ông cũng bắt đầu thích thú với cải lương, ông lại tận tình chỉ bảo.

Hạnh phúc của người nghệ sĩ khi về tuổi xế chiều là vẫn còn được khán giả nhớ đến. Hiện nay, những đêm diễn có sự xuất hiện của NSƯT Trường Sơn vẫn thu hút nhiều người. Có lần, ông cùng 5 người con của mình hát chung trên sân khấu. Ông nói, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nghệ thuật của mình...

Yên Hà