Thứ ba, 17/1/2017, 16h52

Một đời học sinh, ba đời học bạ

Suốt hai tuần nay, ngay từ khi học kỳ I năm học 2016-2017 kết thúc, các thầy cô tiểu học đang khẩn trương tiến hành một công việc trong khâu đánh giá học sinh, đó là ghi học bạ. 
Một đời học sinh, ba đời học bạ
Các mẫu học bạ của các năm 2009, 2014, 2016

Vừa làm, các thầy cô vừa phàn nàn: “Một đời học sinh, ba đời học bạ”. Chưa hết, các thầy cô lại hỏi nhau rằng: Không biết năm học sau có thay đổi nữa không?

7 năm, 3 mẫu học bạ khác nhau

Khi chương trình sách giáo khoa 2000 đi vào thực hiện, cùng với nó là quy định đánh giá học sinh tiểu học theo quyết định 30/2005. Nội dung của quyết định 30/2005 tồn tại 4 năm. Đến năm 2009, Bộ GD-ĐT đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, và thông tư số 32 ra đời.

TT32/2009 tương đối ổn với việc xếp loại giáo dục theo 4 mức giỏi, khá, trung bình, yếu. Dù chẳng ai phàn nàn gì, nhưng Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đổi mới, với phương châm không so sánh học sinh này với học sinh khác. Thế là thông tư số 30 được ban hành, và có hiệu lực vào tháng 11-2014.

Suốt 2 năm thực hiện thông tư 30, nhiều than phiền rằng học sinh không có động lực học tập, cộng thêm việc lạm dụng giấy khen với nội dung lộn xộn, không theo quy tắc nào cả. Chính vì những bất cập đó mà năm 2016 vừa qua, lại thêm một thông tư nữa ra đời, đó là thông tư 
mang số hiệu 22.

Cứ mỗi lần thông tư mới ban hành, kèm theo đó là một mẫu học bạ mới. Nếu tính từ năm 2005 đến nay, tiểu học có 4 mẫu học bạ. Nhưng thôi, ta cứ tính 7 năm gần đây, tiểu học 3 lần thay học bạ của học sinh.

Đó là học bạ của TT32/2009, học bạ của TT30/2014, học bạ của TT22/2016.

Đổi học bạ xoành xoạch

Em Nguyễn Văn Thịnh sinh năm 2007. Năm 2013, Thịnh vào lớp 1, học bạ của Thịnh khi đó là học bạ theo mẫu thông tư 32 (TT32/2009).

Năm 2014, Thịnh lên lớp 2, thông tư 30 (TT30/2014) ra đời, Thịnh lại được thay học bạ theo mẫu mới.

Năm 2016, Thịnh lên lớp 4, bộ tiếp tục đổi mới, Thịnh lại có học bạ mới theo thông tư 22. Như vậy, tính từ khi Thịnh vào lớp 1 tới nay - lớp 4, Thịnh có 3 mẫu học bạ với 3 lần thay đổi.

Không biết sang năm lên lớp 5, Thịnh còn tiếp tục thay học bạ nữa hay không?

Trường hợp của Nguyễn Văn Thịnh là một ví dụ điển hình về việc thay đổi học bạ cho các học sinh sinh năm 2007 trên cả nước.

Nếu em học sinh nào sinh năm 2006, hết năm học 2016-2017 này các em lên lớp 6, vào trung học cơ sở, các em sẽ mang theo 3 mẫu học bạ để chuyển cấp và làm hồ sơ tuyển sinh.

Có cần thiết phải tốn kém?

Trong tình hình bình thường, không có “đổi mới”, mỗi học sinh vào lớp 1 chỉ phải sử dụng 1 học bạ theo mẫu của TT32/2009, giá khoảng 10.000 đồng/cuốn, và cuốn học bạ này sẽ theo các em suốt những năm tiểu học. Nhưng vì thực hiện theo đổi mới giáo dục, năm 2014, các em lại được ghi học bạ mới của TT30/2014, mỗi học bạ chi phí khoảng 10.000 đồng nữa.

Năm 2016, tiếp tục đổi mới theo tinh thần thông tư 22, học bạ lại có mẫu mới, và các nhà trường lại phải in cho các em để kẹp vào học bạ của thông tư 30. Chi phí học bạ lần này thấp hơn, nhưng cũng khoảng 5.000 đồng/HS. Như thế, phần chi phí phát sinh theo đổi mới học bạ khoảng 15.000 đồng/HS.

Không rõ con số cụ thể mà các lứa tuổi phải chịu cảnh 3 học bạ là bao nhiêu em. Nhưng nếu cứ tính cả nước có khoảng 1 triệu học sinh tiểu học, thì xã hội phải chi vào đây hơn chục tỉ đồng!

Trên đây, chúng ta chỉ nói về sự tốn kém tiền bạc của các bậc phụ huynh. Còn công sức ghi chép của giáo viên vào học bạ mỗi lần thay đổi thì không biết bao 
nhiêu mà kể.

Như vậy, tính từ 7 năm trở lại đây, giáo dục tiểu học nước nhà có 3 lần đổi mới. Diện mạo mới mà chúng ta đang có, rõ rệt nhất chính là chỉ trong một giai đoạn ở tiểu học mà học sinh phải gánh nhiều loại học bạ!

Phải chăng đó là sự phong phú trong đổi mới giáo dục? Hay là việc đem lại sự rắc rối cho giáo viên và gây tốn kém cho người dân.

TÙNG SƠN (TTO)