Thứ ba, 16/8/2016, 22h49

Một huyền thoại đang bị lãng quên

Thác Bảo Đại (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là một huyền thoại, một kiệt tác của thiên nhiên rất may mắn hiện còn giữ nguyên nét hoang sơ, kỳ vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên đang bị lãng quên…

Ba dòng thác bạc Bảo Đại óng ánh đổ xuống vực sâu

Huyền thoại kỳ bí

Từ Đà Lạt xuôi theo quốc lộ 20 (hướng về TP.HCM) chừng 60km thì gặp ngã ba Tà Hine (bên trái) và đi thêm chừng 10km nữa là tới thác Bảo Đại. Thác này nằm trên địa bàn xã Tà Hine - xã đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Đức Trọng. Dù thác hiện hữu trong đời sống của người dân bản địa từ khi khai thiên lập địa, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2000 và năm 2003, Công ty TNHH Phương Vinh đầu tư; nhưng đến nay, thác Bảo Đại vẫn còn nguyên nét hoang sơ; Và, có lẽ đây là ngọn thác hiếm hoi ở Lâm Đồng còn giữ nguyên nét tự nhiên (bởi chưa có tác động của bàn tay con người)...

Thác Bảo Đại được người Churu - DTTS trong vùng gọi là thác Jraibliang, có nghĩa là thác Đá Cao và nhiều người quen gọi “Thác hoang”; bởi trước nay ít người đặt chân đến ngoài những ngày lễ hoặc Tết Nguyên đán, người DTTS trong vùng đến ngắm cảnh, tổ chức ăn uống; gần đây, thanh niên trong vùng thường tổ chức picnic, dã ngoại…

Quá trình hình thành thác nước này gắn với một câu chuyện huyền thoại kỳ bí; Tương truyền rằng, ngày xưa có một chàng trai làng làm nghề bắt cá; một ngày nọ, chàng trai không bắt được con cá nào, giữa lúc rất đói bụng, chàng phát hiện có một quả trứng to nằm trong hốc đá bên bờ suối, chàng trai đem luộc và ăn một miếng. Chẳng ngờ khắp người ngứa ngáy rất khó chịu bèn xuống suối nằm ngâm mình; lạ thay, cơ thể chàng trai cứ to dần rồi biến thành một con cá sấu lớn nằm chắn ngang dòng suối, thè chiếc lưỡi dài, nước tràn qua lưỡi tạo nên thứ âm thanh hay hơn cả tiếng đàn; hay đến nỗi tất cả các loài muông thú và người dân trong vùng đều bị mê hoặc, họ bỏ cả công ăn việc làm kéo tới nghe đến nỗi phải chết đói. Xác người và muông thú chết chất thành những tảng đá dưới chân thác, nên trong dân gian mới có tên gọi thác Đá Cao

Có lẽ, do thác Bảo Đại nằm ở một địa bàn hẻo lánh, xa đường giao thông và chưa được nhiều người biết đến, nên dù đã hơn 10 năm khai thác, nhưng đến nay thắng cảnh đẹp, kỳ vĩ này vẫn bị… lãng quên! Chúng tôi đến thác Bảo Đại vào thời điểm đầu tháng 8-2016, khu du lịch vẫn mở cửa miễn phí. Song, cũng chỉ có một số người dân bản địa đến tham quan, chiêm ngưỡng…

Vào những năm 1950 của thế kỷ trước, Đà Lạt là vùng đất Hoàng triều cương thổ, vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam) trong một chuyến săn bắn đã đặt chân đến dòng thác này, nên thác Đá Cao từ đó còn có tên thác Bảo Đại…

Thắng cảnh bị lãng quên

Thác Đá Cao - thác Bảo Đại nằm ẩn mình giữa một khu rừng nguyên sinh yên tĩnh, từ vách đá cao gần 100m, dòng nước lớn chia làm ba nhánh đổ thẳng xuống lòng suối sâu; ba dòng nước như ba dải lụa bạc óng ánh dưới sắc nắng mặt trời và đổ ầm ào xuống lòng thác tạo thành thứ âm thanh vô cùng kỳ vĩ vang vọng cả một khu rừng; ở cách xa 3km vẫn nghe tiếng thác nước vọng tới. Do đổ xuống ở độ cao lớn nên tiếng thác nước gầm réo và bụi nước tung trắng xóa mù mịt cả một vùng. Trải dài dưới chân thác là một bãi đá rộng, có nhiều tảng đá lớn khơi gợi sự tưởng tượng kỳ thú cho du khách về xác người và muông thú hóa thạch (trong câu chuyện huyền thoại nói trên)…

Con đường dẫn xuống thác Bảo Đại ngoằn ngoèo, bậc đá lởm chởm phủ đầy lá khô và ẩm ướt (rất dễ trượt chân). Một cây si già cành cây uốn lượn, vươn ra tạo thành cánh cổng trước của lối xuống thác; nhiều thân cây cổ thụ cao chót vót buông những chùm rễ lớn xuống không trung và xoắn vào nhau tạo ra những “tay vịn” để du khách bám vào và “rón rén” từng bước chân vào thác. Tương phản với sự hùng dũng, cuộn trào của dòng thác, cảnh vật ven bờ thác rất nên thơ, trúc, tre và cây xanh mọc um tùm; độ từ tháng giêng đến giữa hè mỗi năm, trên các thân cây cao đu đưa những chùm hoa phong lan rừng nở trắng, hương thơm dịu ngọt phảng phất giữa núi rừng rất thi vị…

Lối vào thác Bảo Đại cũng hết sức độc đáo, chúng tôi phải luồn qua những lối đi hẹp (giống một đường hầm) hai bên là những vách đá cao thẳng đứng, thi thoảng bắt gặp những loài cây rừng thân leo hình thù uốn éo, xoăn tít ôm lấy vách đá và buông những cánh tay dài xuống lòng thác. Vào sâu bên trong, lối đi mở rộng ra, ăn sâu vào lòng núi đá; có những chỗ rộng chừng từ 15-25m2, tương đối bằng phẳng rất thuận lợi trong việc dừng chân, cắm trại, pinic, nghỉ ngơi… Nhiệt độ bên trong thác chênh lệnh rõ rệt so với bên ngoài: không khí ẩm ướt và rất mát, thậm chí có người không quen thấy lạnh…

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu du lịch sinh thái thác Bảo Đại cho biết, dù công ty được giao quản lý đầu tư khai thác; tuy nhiên chủ yếu thiết kế, xây dựng các công trình như: cổng khu du lịch, nhà dừng chân, nhà hàng mái lá (kiểu nhà người dân tộc), sân vườn, bonsai cây kiểng, nhà vệ sinh… ở bên ngoài thác, diện tích khoảng 10.000ha để phục vụ khách du lịch; phần bên trong thác chưa có tác động gì nhiều, vẫn để nguyên nét hoang sơ tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng cho thác nước này…

Thật vậy, nếu du khách quan sát con đường dẫn xuống thác Bảo Đại, công ty này đã thiết kế hệ thống bậc đá tam cấp cho bớt gồ ghề, ít trơn trượt tránh nguy hiểm cho khách; dọc theo bờ suối sâu có dãy lan can được làm bằng xi măng (giả gỗ) để du khách bám vịn tránh rơi chân xuống vực thác, một vài chòi nghỉ chân giữa lối đi… Nhưng hiện nay tất cả đều phủ đầy lá khô và rêu phong bởi ít người lui tới.

Có lẽ, do thác Bảo Đại nằm ở một địa bàn hẻo lánh, xa đường giao thông và chưa được nhiều người biết đến, nên dù đã hơn 10 năm khai thác, nhưng đến nay thắng cảnh đẹp, kỳ vĩ này vẫn bị… lãng quên! Chúng tôi đến thác Bảo Đại vào thời điểm đầu tháng 8-2016, khu du lịch vẫn mở cửa miễn phí. Song, cũng chỉ có một số người dân bản địa đến tham quan, chiêm ngưỡng…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng