Thứ bảy, 11/8/2018, 20h20

Một kỳ thi thành công, chờ đến bao giờ?: Bao giờ lấy lại được lòng tin?

Các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã làm xấu đi bộ mặt của ngành giáo dục. Một người có thời gian công tác lâu năm trong ngành giáo dục như tôi đã nhận không biết bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu vấn đề mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh và cả học sinh cũ đặt ra. Đau xót và rối bời khi lòng tin bị mất!

Giáo viên thì mất niềm tin vào cấp lãnh đạo. Bởi trong các kỳ kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ, cuối năm học) ở ngay tại trường, thầy cô giáo có sơ sót trong khâu coi thi, chấm thi, vào điểm, nhập điểm thì bị phê bình, kiểm điểm, cắt thi đua… Trong các kỳ thi như tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô giáo được cử đi coi thi, chấm thi luôn lo lắng hồi hộp, sợ vi phạm quy chế thi. Gần như không có thầy cô giáo nào muốn tham gia trong các kỳ thi này. Khi có quyết định, có tên, các giáo viên ấy phải buộc lòng tham gia với tâm trạng bất an. Giáo viên được tham gia trong các kỳ thi này luôn căng thẳng vì phải tập trung cao độ coi thi, chấm thi nghiêm túc để có được một kết quả công bằng cho các em học sinh học thật, thi thật. Thế mà như mọi người nói “chỉ cần 2 phút”, mọi nghiêm túc chấp hành quy chế của các thầy cô giáo trở nên vô nghĩa!

Những người ngoài ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh thì đang có suy nghĩ thật bi quan về ngành giáo dục: “Một lần bắt được, chín lần không”. Mọi người cho rằng không chỉ có Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình mà còn nhiều lắm, chỉ có điều là chưa kiểm tra hết mà thôi và chắc chắn đây không phải lần đầu.

Từ vụ việc kỳ thi mang tính quốc gia bị gian lận đã làm cho mọi người suy diễn và nghi ngờ liệu các kỳ thi khác trong ngành giáo dục từ trước đến nay có thực sự nghiêm túc hay có nhiều tiêu cực hơn, nhưng chưa bị phát hiện?

“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, mặc dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm, thế nhưng, tôi tự hỏi không biết đến bao giờ ngành giáo dục lấy lại được lòng tin của xã hội?

Lê Phương Trí