Thứ bảy, 20/1/2018, 21h10

“Mốt” nghệ sĩ Việt lấy nghệ danh ngoại

Chuyện nghệ sĩ Việt lấy nghệ danh ngoại không phải là chuyện mới trong làng giải trí Việt. Tuy nhiên, sự nở rộ này càng khiến người xem, người nghe ngẩn ra không biết nghệ sĩ đến từ xứ nào, trong khi đây đều là các nghệ sĩ Việt.

Ca nhạc sĩ Mr Siro được giới trẻ yêu mến. Ảnh: P.A

“Sính” nghệ danh ngoại

Chỉ mới được ra mắt trong tháng 1-2018 nhưng MV “Người lạ ơi” của Superbrothers, Karik và Orange đã trở thành MV gây “cơn sốt” trong làng nhạc Việt. Lượt nghe không ngừng tăng lên mỗi ngày. Tính đến thời điểm này, MV “Người lạ ơi” đã có 49.800.000 lượt nghe. Đây được coi là MV có lượt nghe đáng mơ ước với bất kỳ một người nghệ sĩ nào khi hoạt động âm nhạc trong làng giải trí. Mới nghe qua tên nghệ sĩ trình bày MV, chắc ai không sành sỏi về thị trường nhạc Việt sẽ cứ ngỡ MV này do ca sĩ nước ngoài trình bày rồi ngơ ngác hỏi Superbrothers, Karik và Orange là người nước nào, sống ở đâu...

Vài năm trở lại đây, Vpop xuất hiện không ít cái tên nghe qua chẳng ai nghĩ đó là nghệ sĩ Việt Nam. 2017 là năm của những ca khúc đạt hàng trăm triệu lượt nghe, những MV đạt hàng chục triệu lượt xem đến từ những màn hợp tác thành công của các nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất hàng đầu. Bên cạnh đó là những màn song ca ăn ý của các cặp ca sĩ thân thiết. Tuy nhiên, khi lướt qua tên những nghệ sĩ tạo nên các ca khúc, MV ăn khách này thì có lẽ khán giả không khỏi ngỡ ngàng với những nghệ danh: Min, Erik, Mr Siro Soobin và Touliver, Mr Siro...

Vấn đề nghệ sĩ Việt “sính” nghệ danh ngoại ngày càng trở nên quá lố khi chỉ cần lướt vài trang báo đã thấy những cái tên Tây không ra Tây, ta không ra ta như thế. Thậm chí, khi những nghệ danh ấy được nêu tên trên sóng truyền hình, khán giả lại càng ngơ ngác vì cứ ngỡ là nghệ sĩ nước ngoài. Trong chương trình The Remix 2017, nghe qua tên của dàn DJ thì chắc hẳn khán giả cứ nghĩ đó là dàn DJ hoành tráng được Ban tổ chức mời từ nước ngoài như DJ Hoaprox (team Bảo Thy), DJ Paranoid (team Yến Trang)...

Nghệ danh có làm nên tên tuổi?

Trước thực trạng làng giải trí Việt tràn ngập những nghệ danh “sính” ngoại như thế trong khi tiếng Việt đủ sức để họ tìm một nghệ danh thuần Việt đã gióng lên một hồi chuông về vấn đề này. Rất nhiều nghệ danh “sính” ngoại dần chìm vào quên lãng ở làng giải trí trong nước chứ chưa nói đến khả năng lấn sân ra nước ngoài. Thế nên, không đủ sức bơi ra biển lớn là do năng lực của nghệ sĩ chứ không vì cái tên Việt hay Tây.

Vấn đề nghệ sĩ Việt “sính” nghệ danh ngoại đã từng được mang ra tranh cãi cách đây chưa lâu. Tuy nhiên, câu chuyện này có lẽ sẽ mãi không có hồi kết. Những cái tên được nghệ sĩ chọn làm nghệ danh như Chi Pu, Suboi, Andree, Issac, Jun, Emily, Only C, Young Uno, Min, Justa Tee, Will, Kimmese, Shady, XilliX, Jaykii, Lynh Bacardi, Kimmese, Chan Than San... không có gì là sai cả. Tuy nhiên, tiếng Việt có hàng ngàn cái tên đẹp chứ đâu đến mức đã cạn kiệt để họ phải vay mượn từ Đông sang Tây như vậy.

Nhiều nghệ sĩ trẻ cho rằng việc lấy tên Tây sẽ dễ tạo sự chú ý, tạo sự khác biệt và không bị trùng tên tiếng Việt giống các nghệ sĩ khác. Có người không lấy tên Tây hoàn toàn mà lại chọn kiểu “nửa nạc, nửa mỡ” như Ali Hoàng Dương, Kai Đinh, Soobin Hoàng Sơn... Với nhiều nghệ sĩ trẻ, họ đã lên tiếng thanh minh và cho rằng lấy tên thật thì sợ nhầm lẫn với những nghệ sĩ trước hoặc lấy tên có “màu sắc” nước ngoài thì dễ có cơ hội ra biển lớn.

Một nghịch lý là có nhiều nghệ sĩ gốc Việt thành công ở nước ngoài nhưng họ vẫn giữ tên từ thời cha sinh mẹ đẻ của mình như NSND Đặng Thái Sơn. Dù có quốc tịch Canada từ rất lâu và là nghệ sĩ mang niềm kiêu hãnh của Việt Nam ra thế giới nhưng bao năm qua, ông vẫn giữ nguyên tên Đặng Thái Sơn. Hay đạo diễn Trần Anh Hùng dù có quốc tịch Pháp nhưng ông vẫn muốn người ta nhớ và nhắc tên Trần Anh Hùng của mình. Trong sự nghiệp trải dài hơn hai thập kỷ của mình, đạo diễn Trần Anh Hùng mới chỉ thực hiện 5 phim điện ảnh nhưng các tác phẩm của vị đạo diễn này đều nhận được đánh giá cao từ các đồng nghiệp quốc tế lẫn báo chí thế giới. Thế nên, cái tên không làm nên con người mà con người làm nên cái tên. Suy nghĩ đặt nghệ danh “sính” ngoại của nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam hiện nay với mục đích được khán giả nhớ đến, được có cơ hội vươn ra biển lớn chỉ là sự ngụy biện cho nhận thức chưa thấu đáo của những người trẻ. Đành rằng, việc đặt tên nghệ danh là sự tự do của mỗi nghệ sĩ, miễn sao họ thấy hài lòng với nghệ danh đó. Tuy nhiên, trước thực trạng làng giải trí Việt tràn ngập những nghệ danh “sính” ngoại như thế trong khi tiếng Việt đủ sức để họ tìm một nghệ danh thuần Việt đã gióng lên một hồi chuông về vấn đề này. Rất nhiều nghệ danh “sính” ngoại dần chìm vào quên lãng ở làng giải trí trong nước chứ chưa nói đến khả năng lấn sân ra nước ngoài. Thế nên, không đủ sức bơi ra biển lớn là do năng lực của nghệ sĩ chứ không vì cái tên Việt hay Tây.

Yên Hà