Thứ bảy, 15/10/2016, 20h30

Mưa lũ ở miền Trung: Hàng chục người chết, mất tích và bị thương

Nước ngập nặng ở Quảng Trị gây ách tắc giao thông. Ảnh: P.Lệ

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của mưa bão những ngày qua đã có 5 người chết (3 người tại Quảng Bình, 2 tại Thừa Thiên - Huế), 4 người mất tích tại Quảng Bình, 12 người bị thương (3 tại Quảng Trị, 2 tại Thừa Thiên - Huế, 7 tại Quảng Bình). Đồng thời, mưa lũ đã làm sập 7 ngôi nhà, hư hại 764 và ngập 27.184 nhà. Trong đó, Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề nhất với 26.920 ngôi nhà bị ngập. Về nông nghiệp, có 202ha hoa màu, 42ha cây lâu năm, 470ha cây trồng hằng năm, cây ăn quả bị ảnh hưởng thiệt hại; 2.400 cây xanh đô thị bị đổ, gãy. Có 200m kênh mương, 200m bờ sông, 205m đường giao thông bị sạt lở.

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập lụt 9 xã tại huyện Hương Khê, 6 xã của huyện Cẩm Xuyên; 2 xã (Kỳ Thượng và Kỳ Lạc) tại huyện Kỳ Anh bị cô lập, phải di dời 29 hộ dân; nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh bị ngập gây cản trở giao thông.

Tại Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn K900-K911 (huyện Minh Hóa) bị ngập 0,8m; đường sắt Bắc - Nam qua xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa) bị ngập; các tuyến đường quốc lộ 9B, 15, 12A, tỉnh lộ 559, 559B, 561, 570B, 561 bị ngập sâu 0,5-0,8m gây ách tắc giao thông. Tại các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1-2,8m gây chia cắt nhiều địa bàn...

Tại Quảng Trị, hơn 200 ngôi nhà ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh bị tốc mái. Ngoài ra, hơn 20ha cây cao su đang thời kỳ thu hoạch của bà con ở các xã Triệu Ái, Triệu Thượng, huyện Triệu Phong gãy đổ; 5 tàu của bà con ngư dân trên địa bàn các huyện Hải Lăng và Triệu Phong đang neo đậu gần bờ cũng bị hỏng nặng. 

Với lượng mưa to liên tục trong ngày qua cũng đã khiến mực nước trên các sông dâng cao, gây ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi. Trong đó, cầu tràn ở tuyến Tà Rụt - A Vao, cầu tràn tuyến Hải Phúc - Ba Lòng, cầu tràn Pa Nang và 2 điểm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thủy điện Đakrông 1, huyện Đakrông, người dân không thể đi lại được. Một số tuyến đường qua 7 xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa cũng bị ngập lụt nặng. Riêng tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa có 10 hộ dân bị ngập lụt cục bộ đã được chính quyền và các lực lượng chức năng tổ chức di dời đến nơi an toàn...

Liên quan đến việc ứng phó khẩn cấp với mưa lũ tại khu vực miền Trung, Thủ tướng Chính phủ vừa gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Để chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ; kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.

Các bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ các địa phương ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.

PV-TS-P.Lệ