Thứ sáu, 25/2/2011, 11h02

Muối tồn, dân cần Nhà nước mua tạm trữ

ĐBSCL đã vào niên vụ muối năm 2011 – 2012, trong khi muối cũ còn tồn đọng gần 200.000 tấn. Giá muối hiện tại 16.000 - 20.000 đồng/giạ, tương đương 530 - 660 đồng/kg, nhưng không có người mua.

Một “ụ” còn đầy muối của diêm dân xã Dân Thành ( Duyên Hải, Trà Vinh) . Ảnh: Diệu Hiền
Muối cũ tồn nhiều
Anh Nguyễn Văn Thống ngụ ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh), cho biết: “Vụ trước, tôi làm 2 công muối, thu 1.200 giạ, chỉ bán được khoảng 200 giạ, hiện còn tồn hơn 1.000 giạ”.
Ông Danh Văn Tiễn ở ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, chỉ tay về chòi lá đang chứa hơn 7.000 giạ muối của mình nói: “Người làm muối của chúng tôi mỗi năm trông chờ vào thời điểm nắng nóng nhất là tháng 2-3 dương lịch. Tuy nhiên, muối cũ còn mấy ngàn giạ bán không ai mua. Năm nay tiếp tục làm vụ muối mới thì không biết để đâu”.
Ông Võ Văn Dội, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Thành, cho biết: “Dân Thành là địa phương có diện tích muối nhiều nhất huyện Duyên Hải và tập trung ở ấp Mù U, Láng Cháo và Cồn Cù. Toàn xã hiện có 240 hộ chuyên sinh sống bằng nghề làm muối, với tổng diện tích trên 215 ha, hằng năm cung cấp hơn 10.000 tấn muối cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Lượng muối trong xã còn tồn hơn 3.500 tấn. Bắt đầu vào chính vụ 2011-2012 mà nhiều hộ làm muối chưa thấy động tĩnh gì”.
Tỉnh Bạc Liêu có diện tích sản xuất muối lớn nhất ĐBSCL với hơn 2.300 ha, nay còn tồn đọng khoảng 80.000 tấn. Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, lượng muối tồn ở huyện Ba Tri và Bình Đại còn trên 20.000 tấn. Kế hoạch năm 2011, Bến Tre làm muối trên 1.600 ha, sản lượng ước 81.000 tấn, nhưng hiện phần lớn diện tích còn bỏ trống.
Nhiều diêm dân ĐBSCL trăn trở, nếu tiếp tục sản xuất thì không biết để muối vào đâu. Và với giá muối như hiện nay, đầu tư làm sẽ lỗ. Sản xuất thủ công, năng suất thấp, chất lượng kém, trong khi các doanh nghiệp chế biến thực phẩm chỉ ưa muối trắng nhập khẩu.
Diện tích đang giảm
Theo thống kê của các xã Dân Thành, Đông Hải và Trường Long Hòa (Duyên Hải, Trà Vinh), bước sang năm 2011, diện tích sản xuất muối giảm 50 ha so với vụ muối năm 2010. Vụ rồi tổng sản lượng muối của Duyên Hải trên 18.000 tấn, tăng hơn 7.000 tấn so với vụ năm 2009, nhưng muối của Duyên Hải có chất lượng thấp, phần lớn chỉ để sản xuất muối i-ốt, ướp thủy sản hoặc sản xuất nước đá, không đáp ứng cho chế biến xuất khẩu nên khó tiêu thụ.
Ông Lê Vũ Phương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải, nhận định: “Việc giảm diện tích làm muối trong năm 2011 là khó tránh, dù tỉnh có chủ trương quy hoạch vùng muối đến năm 2015 và định hướng năm 2020”.
Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, Trà Vinh đã quy hoạch vùng sản xuất muối đến năm 2015 với diện tích khoảng 400 ha; khuyến khích phương pháp sản xuất muối sạch. Tuy nhiên, phần lớn đồng muối hiện nay chưa được cải tạo”.
Trà Vinh đang có văn bản đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua muối tạm trữ, hỗ trợ diêm dân bị thiệt hại do thời tiết và hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất muối sạch có chất lượng và năng suất cao.
Diệu Hiền/ TPO