Thứ bảy, 13/1/2018, 21h28

Mỹ đánh giá tích cực việc Trung Quốc giảm mạnh giao dịch thương mại với Triều Tiên

Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc đã giảm mạnh các hoạt động thương mại với Triều Tiên, cho rằng điều này hỗ trợ một chiến dịch do Mỹ đứng đầu nhằm "gây áp lực tối đa" để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Xe tải chở hàng hóa tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, biên giới Trung Quốc - Triều Tiên ngày 5/9/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông báo ngày 12/1 của Nhà Trắng, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hài lòng với việc Trung Quốc giảm mạnh hoạt động thương mại với Triều Tiên. Nhà Trắng cho rằng hành động này góp phần vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để chính quyền Triều Tiên chấm dứt các chương trình phát triển vũ khí, thay đổi hành vi và hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Trước đó cùng ngày, Trung Quốc đã công bố các dữ liệu cho thấy nhập khẩu từ Triều Tiên của Trung Quốc trong tháng12/2017 đã giảm tới 81,6% xuống còn 54,34 triệu USD. Như vậy, con số này trong cả năm 2017 giảm 33% so với năm 2016, xuống còn 1,72 tỷ USD. Cũng trong tháng 12/2017, lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên giảm 23,4% xuống còn 260 triệu USD. Với những số liệu trên, tổng kim ngạch thương mại song phương Trung-Triều tiếp tục đà giảm năm thứ 4 liên tiếp. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm khoảng 90% hoạt động thương mại  và là nhà cung cấp dầu mỏ chính cho Bình Nhưỡng. 

Trong năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Mới đây nhất, vào tháng 12/2017, cơ quan này thông qua nghị quyết mới sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mới của Triều Tiên hồi tháng 11 vừa qua mà Bình Nhưỡng tuyên bố là "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ". Nghị quyết này cấm gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng. 

Cùng ngày, giới chức Đài Loan (Trung Quốc) đã liệt một người Đài Loan và 4 công ty liên quan vào danh sách đen của vùng lãnh thổ này do bán dầu trái phép cho Triều Tiên, vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng. 

Đối tượng có tên là Trần Thế Hiến bị tình nghi thuê một tàu chở dầu được đăng ký ở Hong Kong để chuyển dầu trái phép cho một tàu Triều Tiên vào giữa tháng 10/2017, vi phạm lệnh cấm của HĐBA LHQ. Nhà chức trách Hàn Quốc sau đó đã bắt giữ tàu này, dẫn tới một cuộc điều tra tại Đài Loan. 

Theo các biện pháp trừng phạt nói trên, Đài Loan đã phong tỏa ông Trần Thế Hiến cùng tài sản của 4 công ty tài chính nói trên, theo đó cấm họ giao dịch với các ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm. 
Trong khi đó, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 12/1 cho biết, theo đề nghị hồi tháng 12/2017 của quân đội Mỹ, các tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản đã được triển khai tới nhiều khu vực, trong đó có Hoàng Hải, để theo dõi xem liệu có diễn ra hoạt động chuyển dầu tinh chế từ các tàu nước ngoài sang tàu Triều Tiên hay không. Hành động chuyển dầu như vậy bị coi là vi phạm các biện pháp trừng phạt mà LHQ áp đặt đối với Triều Tiên do các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. 
Theo các nguồn tin trên, khi tham gia sứ mệnh này, MSDF tuân theo các nguyên tắc tiêu chuẩn về cảnh báo và giám sát. Mục đích chính là giám sát sự di chuyển của các tàu nước ngoài và thu thập thông tin để chia sẻ với Mỹ. MSDF không được phép dùng vũ lực để kiểm tra các tàu trừ phi có những điều kiện nhất định phù hợp với đạo luật của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. MSDF đã chụp ảnh những tàu tình nghi và cung cấp thông tin cho Mỹ - đồng minh chủ chốt của Nhật Bản đồng thời đang đi đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm vào Triều Tiên.
 
TTXVN/Báo Tin tức