Thứ sáu, 3/9/2010, 09h09

Năm 2011, dự kiến chỉ còn 1 đợt thi đại học

Tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 khối các trường ĐH, CĐ diễn ra ngày 1/9 tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến tuyển sinh năm 2011 chỉ còn 1 đợt thi.
Về kế hoạch tuyển sinh 2011, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, sắp tới Bộ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ cũng như là các Sở GD-ĐT và cả xã hội để chọn phương án tuyển sinh như thế nào cho hợp lý.
Theo kế hoạch thì chưa có thay đổi lớn trong tuyển sinh nhưng dự kiến sẽ có một cách tiếp cận khác về tuyển sinh. Có thể chỉ tập trung thi tuyển sinh 1 lần với một số môn quy định cụ thể để xét tuyển. Ví dụ như hiện nay thi đại học, khối A đang thi riêng đợt nhưng kỳ tuyển sinh tới sẽ gộp các khối A, B, C, D thi chung 1 đợt nhưng chỉ duy trì một kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào tất cả các trường.
Còn hệ CĐ sẽ không tổ chức riêng đợt tuyển sinh mà xét tuyển từ kết quả thi ĐH vào trường. Như vậy, tổ chức 1 đợt thi ĐH, CĐ thay vì 3 đợt thì gánh nặng đổ lên gia đình và học sinh sẽ giảm đi - thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.
Về thông tin bỏ điểm sàn mà các trường đại học ngoài công lập đề nghị, thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Điểm sàn không thể bỏ được vì điểm là điều kiện cần thiết để kiểm tra chất lượng đầu vào. Nếu bỏ điểm sàn sẽ không loại trừ các trường sẽ tuyển đầu vào với bất cứ mức điểm nào thì sẽ không có chất lượng nhất định. Hiện nay, điểm sàn Bộ GD-ĐT đã tính toán đảm bảo nguồn tuyển cho các trường”.
Phát biểu tại hội nghị,  ohó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới giáo dục đại học phải dựa trên việc làm đúng quy luật, phù hợp với thực tiễn và phát huy sáng tạo. Theo đó, cần cố gắng tăng được tỷ lệ trường công bố chuẩn đầu ra, nâng cao trình độ giáo viên. Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội đã triển khai được 2 năm, các trường cần rà soát lại, làm sao mỗi trường có ít nhất một ngành đào tạo theo đặt hàng của thực tiễn. Cũng giống như vậy, mỗi trường chọn một ngành có điều kiện nhất để đào tạo theo.
Phó Thủ tướng khẳng định, nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục ĐH thì không thể chấp nhận việc giảng viên ĐH chỉ có 10% tiến sĩ như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ cần triển khai công tác đánh giá giáo viên, ưu tiên những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để có những chính sách hỗ trợ hợp lý; nâng cao trách nhiệm xã hội của sinh viên, tạo cuộc vận động sâu rộng “Nói không với việc học chỉ vì bằng cấp” để sinh viên có định hướng học tập vì mình và vì trách nhiệm với đất nước.
Hồng Hạnh / Dan tri