Thứ bảy, 24/3/2018, 10h26

Năm 2019, TP.HCM sẽ có bộ SGK giảm tải

Văn hóa ứng xử học đường còn hạn chế, mạng xã hội có quá nhiều thông tin trái chiều, một số hoạt động dạy và học chưa thiết thực… là những nội dung được học sinh (HS) đề cập tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành GD-ĐT TP.HCM với 110 HS tiêu biểu của TP ngày 23-3 có chủ đề “Học sinh TP  phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ”.

TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM tặng quà biểu dương HS tiêu biểu

Giáo dục kỹ năng chưa sát thực tế

Tại đây, em Võ Trọng Tín, HS Trường THPT Ngô Gia Tự chia sẻ, khi được đào tạo các kỹ năng này trong chương trình THPT thì HS bước ra cuộc sống sẽ có kỹ năng thực hành, có cái nhìn sâu sắc và biết quan tâm đến người khác. Qua đây, Tín cho rằng, nhà trường có thể giáo dục HS về tình yêu thương, tấm gương của sự thành công và mong muốn môn nhân học sẽ trở thành môn học trong chương trình phổ thông. Ngoài ra, rất cần đến nhiều chương trình thi, giao lưu giữa các trường nhằm tăng tính gắn kết, giáo dục truyền thống và phát triển các kỹ năng cho HS.

Em Trần Long Nữ (HS Trường THPT Bình Phú) chia sẻ nguyện vọng tại buổi gặp gỡ lãnh đạo sở GD-ĐT TP.HCM

Tương tự, Nguyễn Tú Uyên Vi, HS Trường THPT Võ Trường Toản cho rằng, hiện nay nhiều HS được gia đình bảo bọc, nuông chiều, ý chí phấn đấu kém, dễ chán nản. Vì vậy, việc trường đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng và khuyến khích HS tham gia thông qua các hoạt động phong trào, ngoại khóa là rất cần thiết.

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù trường học có nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống, thực hành xã hội, tuy nhiên chương trình chưa có sự đồng đều ở các trường, hoặc nội dung khá giống nhau, cách triển khai chưa đạt hiệu quả. Cao Quốc Thắng, HS Trường THPT Trưng Vương cho biết: “Trường có nhiều hoạt động văn hóa dân gian, hội thi tìm hiểu lịch sử truyền thống để các bạn phát huy giá trị truyền thống nhưng ở một số trường khác lại không có. Em mong muốn các hoạt động này được nhân rộng ở nhiều trường”. Cùng quan điểm với Thắng, So Qua Ni, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nhìn nhận, chúng em được học nhiều kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội nhưng nội dung na ná nhau. Kết quả là nhiều HS không biết xử lý tình huống bất trắc khi bất ngờ đối diện.

TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi gặp gỡ

Trước sự phát triển của CNTT, mạng xã hội phát triển, nhiều HS cũng mong muốn có những giờ học, định hướng kỹ năng tiếp cận thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, đúng mục đích. Ngô Trung Quốc, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong cho biết, HS cần có kỹ năng tiếp nhận và phân biệt thông tin đúng sai để lựa chọn thông tin chính thống. Trần Nguyễn Anh Tài, học viên Trung tâm GDTX Q.3 mong có một sân chơi thể dục thể thao và nhà trường tổ chức nhiều cuộc thi này hơn nữa để HS có nơi rèn luyện thể chất. Hiện trung tâm không có đủ không gian để HS chơi thể thao, thay vào đó HS chỉ biết chơi điện thoại hoặc đi ăn uống trong giờ chơi.

Mong giảm tải chương trình học

Tại buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến đề cập chương trình học hiện nay còn khá nặng khiến HS không có thời gian tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động xã hội. Trần Long Nữ, Trường THPT Bình Phú lo lắng: Chương trình học phổ thông khá nặng khiến HS không còn thời gian tham gia các hoạt động thể – mỹ. Đồng quan điểm, Nguyễn Phạm Hải Phượng, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu nói: “Do chương trình học nặng nên hầu hết HS chỉ lo học, ít thời gian tham gia hoạt động phong trào đoàn. Mong chương trình học được giảm tải và đưa hoạt động đoàn vào đánh giá danh hiệu của HS để các bạn phấn đấu vừa học tập vừa tham gia phong trào”.

Thầy Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT trả lời những thắc mắc của học sinh

Liên quan đến chương trình học, Hoàng Hạnh Nhi, HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thẳng thắn: Chương trình học hiện nay khá nặng về hình thức và sáo rỗng, khó áp dụng thực tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc xây dựng tình cảm giữa giáo viên và HS bị bó hẹp, dẫn đến mối quan hệ giữa giáo viên và HS không được khăng khít. Có giáo viên chủ nhiệm phải “chạy” giáo án bằng cách lấy tiết sinh hoạt để làm bài kiểm tra. “Để học sinh phát triển đức – trí - thể - mỹ” cần điều chỉnh thời gian học, các cuộc thi trùng lặp về ý tưởng”.

Đối thoại để tương tác thầy-trò

Thầy Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT cho biết, các thầy cô luôn đồng hành và hy vọng sẽ có nhiều thay đổi phù hợp trong các hoạt động đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho HS. “Thầy cô luôn hết lòng dạy dỗ các em nhưng để có sự hài hòa thì cần sự cố gắng của cả hai bên. Những vấn đề lớn hơn chúng tôi sẽ tham mưu cho sở. Đặc biệt, thầy cô luôn quan tâm tới tất cả các em, chứ không phải chỉ quan tâm tới các bạn HS tiêu biểu”.

Thầy Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác tư tưởng

Chia sẻ về nguyện vọng của HS, thầy Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, sở GD-ĐT TP nhấn mạnh: “Trong nhà trường hiện nay, HS là chủ thể trong mọi hoạt động. Trong mọi hoạt động, lãnh đạo sở và Thành đoàn đều lưu ý ưu tiên cho HS”.

“Qua những ý kiến đóng góp của các em, lãnh đạo sở sẽ ghi nhận, tìm những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bất cập còn tồn đọng. Đồng thời có văn bản chỉ đạo các phòng ban chức năng, nhà trường thực hiện các nhu cầu chính đáng của HS. Đặc biệt, đối với các trường, trong năm phải tổ chức ít nhất một lần đối thoại với HS để lắng nghe tâm tư nguyện vọng các em, qua đó có những điều chỉnh, thay đổi”. (TS Lê Hồng Sơn)

Về các hoạt động phong trào của Đoàn theo mong muốn của HS, ông Nguyễn Trọng Nghĩa , Phó trưởng ban Thiếu nhi Thành Đoàn TP.HCM cho rằng, kinh nghiệm tổ chức phong trào có đạt hiệu quả và thiết thực hay không cần có sự chọn lựa, lắng nghe HS để tổ chức chương trình phù hợp, tạo sự đồng thuận từ HS và phong trào cần được tuyên truyền trước, trong và sau thực hiện giúp các bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa phong trào.

Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, TS. Lê Hồng Sơn , Giám đốc Sở GD-ĐT TP khẳng định hoạt động hướng nghiệp hiện nay ở một số trường làm chưa tốt, nội dung còn khô khan, thiếu thu hút HS. Đề cập đến bộ SGK mới theo mong muốn của HS, ông Sơn cho biết, chương trình SGK là do Bộ GD-ĐT quyết định vì hiện nay vẫn còn kỳ thi chung. Đến năm 2019, HS sẽ được học với bộ SGK giảm tải.

Ông Sơn kỳ vọng mỗi HS cần nỗ lực trong học tập, vừa có ý thức tham gia các hoạt động đoàn thể và cùng tham gia xây dựng TP ngày càng văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

Ngọc Trinh - Quang Huy