Thứ tư, 17/8/2016, 10h29

Năm học mới, nỗi lo cũ

Năm học mới 2016-2017 đã bắt đầu. Tất cả trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã đồng loạt mở cửa tiếp nhận học sinh. Tuy nhiên, hòa trong không khí vui vẻ, náo nức của ngày tựu trường, không ít thầy cô giáo bậc tiểu học vẫn còn băn khoăn nỗi lo năm cũ.

Quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với… giáo viên

Đó là sau 3 năm thực hiện, quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ban hành vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với… giáo viên. Mặc dù qua mỗi năm học, thông tư đã được đóng góp ý kiến, sửa đổi, bổ sung rất nhiều nhưng đến nay, sau 3 lần “sửa áo vá quần” vẫn chưa thể khiến phụ huynh và học sinh an lòng. 
Ngay cả tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận mô hình dù có chủ trương đúng đắn, hướng đến mục tiêu đổi mới trên cơ sở nhân văn song chưa có lộ trình thực hiện phù hợp. Thay vì triển khai thí điểm rồi tổng kết, sau đó mới bổ sung và mở rộng quy mô thực hiện thì cơ quan quản lý lại vội vàng triển khai đại trà trên cả nước, khiến dư luận phản ứng cũng là điều khó tránh khỏi. Vừa qua, trước phản hồi của nhiều giáo viên tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sửa đổi thông tư theo tinh thần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, đặc biệt là không “cầm tay chỉ việc” và “lượng hóa” một số tiêu chí đánh giá để phù hợp hơn yêu cầu nhận biết sự tiến bộ của học sinh. Bên cạnh đó, việc sửa đổi thông tư cũng theo hướng giảm tải cho giáo viên.

Trước đây, giáo viên phải ghi chép đánh giá, nhận xét thường xuyên hàng tuần, hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng, nay sẽ được quyền chủ động ghi vào bảng tổng hợp cuối kỳ. Ngoài ra, thông tư cũng sẽ làm rõ lại các khái niệm đánh giá định kỳ môn học, tiêu chí khen thưởng… Song, giá như tất cả việc làm trên được những người có trách nhiệm nhận thức sớm hơn, tổ chức lấy ý kiến ngay khi vừa kết thúc năm học để kịp ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung trước khi bước vào năm học mới sẽ giúp giáo viên có thời gian tiếp nhận và thực hiện một cách có hiệu quả. Tiếc là mong mỏi này đã không xảy ra và cho đến thời điểm hiện tại, ở nhiều đơn vị, dù đã bước vào năm học mới nhưng các thầy cô vẫn trong tâm thế vừa làm vừa nghe ngóng. 
Dẫu biết là muộn, nhưng điều mà hiện nay cả xã hội đang mong chờ là Bộ GD-ĐT sớm ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 30 hoặc ban hành thông tư mới để ổn định tâm lý dạy và học của giáo viên lẫn học sinh. Trong đó, mọi hướng dẫn, sửa đổi cần có “độ mở” cần thiết để vận dụng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên, tránh áp đặt chung chung cho tất cả vùng, miền. Mong lắm thay!

THANH THU/ SGGP