Thứ tư, 31/8/2016, 12h43

Năm học mới tại TP.HCM: Quyết tâm giảm tải giáo dục

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành GD-ĐT TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu ngành giáo dục TP phải giảm tải nhanh giáo dục phổ thông cho các em HS, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn - thể - mỹ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước đó.

TS. Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao bằng khen cho học sinh giỏi năm học 2015-2016

Trước thềm năm học mới, TS. Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết những quyết tâm và sáng tạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu trên. TS. Lê Hồng Sơn nói: Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, các thuận lợi - khó khăn và yêu cầu GD-ĐT của TP, Sở GD-ĐT đã đặt ra mục tiêu của ngành như sau: Xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc. HS được học tập và hoạt động cả ngày trong trường; Được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu; Có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT; Có thể chơi được ít nhất 1 môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống. Xây dựng đội ngũ GV tận tâm, yêu nghề, mến trẻ; Giỏi chuyên môn, hiểu biết xã hội, bản lĩnh chính trị...

PV: Một trong những đổi mới mạnh mẽ nhất là vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có văn bản cho phép Sở GD-ĐT biên soạn bộ SGK riêng theo khung chương trình giáo dục phổ thông mới. Vậy bộ sách này sẽ có những nội dung nổi bật gì, tiến độ thực hiện như thế nào?

TS. Lê Hồng Sơn: Được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức biên soạn bộ SGK phù hợp thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Bộ SGK này sẽ biên soạn dựa trên định hướng phát triển năng lực HS, giảm tải tính hàn lâm, lý thuyết và tăng tính thực hành, ứng dụng theo hướng tích hợp, liên môn. Ngoài ra, bộ SGK sẽ thể hiện rõ “tính địa phương”, đặc biệt là đối với môn địa lý, lịch sử như đưa lịch sử Đảng bộ TP.HCM vào sách. Hiện nay, Sở GD-ĐT TP đang phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức tập huấn cho đội ngũ tác giả viết sách (bao gồm các chuyên gia đầu ngành và GV nhiều kinh nghiệm của từng bộ môn) theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Cùng với đổi mới nội dung chương trình, SGK thì phương pháp giảng và học tập chắc chắn cũng phải đổi mới. Vấn đề này sẽ được thể hiện như thế nào thưa Giám đốc?

- TP sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức; tăng cường tổ chức cho HS tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế cuộc sống hằng ngày.

Để làm được điều này, Sở GD-ĐT TP sẽ cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…).

GV và HS lo ngại rằng, đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy nhưng HS vẫn phải thi một đề chung như kỳ thi THPT quốc gia hiện nay thì không phù hợp, khó giải quyết hoàn toàn bài toán đổi mới. Sở GD-ĐT đã có cách giải quyết như thế nào, thưa Giám đốc?

- Bộ GD-ĐT đã cho phép về mặt chủ trương để TP tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Sở GD-ĐT sẽ xây dựng phương án tổ chức trình Bộ GD-ĐT và UBND TP phê duyệt, sau khi được phê duyệt sẽ tổ chức thực hiện.

Để làm được những điều trên, đội ngũ GV chắc chắn phải đóng vai trò then chốt. Vậy Sở GD-ĐT TP đã có kế hoạch như thế nào để tiếp tục phát triển đội ngũ GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT?

- Sở GD-ĐT TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và GV TP, đảm bảo cung cấp đủ số lượng GV các cấp cho ngành, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học cho GV các cấp. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tham mưu lãnh đạo các cấp một số chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ quản lý và GV TP, có chế độ hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ và thu hút những người có năng lực và trình độ cao, có tài năng vào đội ngũ nhà giáo TP…

Xin cám ơn Giám đốc!

Minh Châu (thực hiện)

Các em học sinh lớp 1, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) hân hoan chào đón năm học mới

8 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017

+ Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước. Chú trọng xây dựng ý chí khởi nghiệp trong HS, sinh viên.

+ Đẩy mạnh công tác giáo dục nghệ thuật, giáo dục âm nhạc và giáo dục thể chất. Phấn đấu mỗi HS phải biết chơi một môn thể thao. Chú trọng thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho HS nhằm trang bị những kiến thức cho HS để các em có thể tự giải quyết các vấn đề khó khăn gặp phải của bản thân.

+ Phối hợp hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường lớp trên địa bàn TP theo hướng đa dạng hóa hệ thống các loại hình giáo dục, bảo đảm nhu cầu học tập ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học; tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo đủ chỗ học đạt chuẩn cho HS TP.

+ Đa dạng hóa hình thức đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở vật chất thể dục thể thao cho các đơn vị theo hướng xã hội hóa, tập trung thực hiện đề án “Phổ cập bơi cho HS”.

+ Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Đẩy mạnh công tác phân luồng HS.

+ Chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm; gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế cuộc sống hằng ngày.

+ Chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lí thuyết, nhẹ về thực hành. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS.

+ Nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng tiên tiến và hiện đại. Hiện đại hóa hệ thống thư viện trường học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập cho GV và HS.