Thứ ba, 14/2/2017, 22h29

Nạn “chặt chém” ở sân vận động

Tại các sân vận động nơi thường xuyên diễn ra các trận đấu bóng đá, chương trình ca nhạc, sự kiện lớn... cũng chính là lúc các dịch vụ ăn theo bị lợi dụng để trục lợi bất chính. Các loại vé giả tràn lan với giá gấp hai lần thực tế, giá vé giữ xe tăng chóng mặt, nước uống và các dịch vụ đi kèm khác cũng lợi dụng tăng giá chụp giật “chặt chém” người dân.

Một cổ động viên đang được chào mời mua vé ở Sân vận động Thống Nhất

Đục nước béo cò

Theo ghi nhận tại sân Thống Nhất, có rất nhiều người bán vé trước cổng sân vận động mỗi khi có trận đấu hay chương trình diễn ra. Với mỗi trận đấu bóng đá mức giá là 50.000 đồng đối với khán đài C, D và 100.000 đồng đối với khán đài A, B. Riêng đối với các chương trình ca nhạc thì mức giá linh động tùy từng chương trình. Đối với chương trình “xoàng” thì cũng 10.000-50.000 đồng còn những chương trình hoành tráng quy mô có sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng thì mức giá linh động cao hơn tùy vào chỗ ngồi gần hay xa sân khấu.

Chiều ngày 7-2, diễn ra trận đấu giao hữu giữa U23 Việt Nam - U23 Malaysia, dù chỉ là một trận đấu giao hữu nhưng vẫn thu hút rất đông người hâm mộ đến xem và cổ vũ. Khi chúng tôi hỏi mua vé thì được thông báo là hai khán đài A, B đã hết vé thế nhưng bằng cách nào đó vé “chợ đen” lại có rất nhiều với mức giá cao gấp 3 lần so với giá trị ban đầu. Nhiều cổ động viên còn gặp nạn khi mua phải vé giả vừa mất tiền vừa không thể vào sân nhưng không biết tìm ai để bắt đền.

Chị Hoàng Ngọc Anh uất ức kể: “Chúng tôi đi tới, thấy có rất nhiều người bán vé. Chồng bảo tôi mua 2 vé 2 vợ chồng vào xem. Thấy chồng thích nên tôi đồng ý, chúng tôi mua 2 vé với giá 500.000 đồng ở khán đài A. Sau khi gửi xe xong mang vé vào cổng thì bảo vệ cho biết đây là vé giả chúng tôi không được vào. Khi quay ra bắt đền thì họ chối bai bải, không bán cho chúng tôi cái vé nào như thế cả”.

Bên cạnh đó, ở vòng ngoài thì không ít cổ động viên phải chịu mức phí gửi xe khá đắt đỏ với giá “chặt” khá ngọt từ 20.000-40.000 đồng. Anh Hoàng Tuấn một cổ động viên bức xúc “tôi tấp vào lề gửi xe ở một chỗ có để bảng giữ xe sân vận động. Sau khi ghi số xe lên giấy, người thanh niên chỉ cho tôi chạy vào chỗ khi đi ra thì nói, cho 30.000 đồng thu tiền giữ xe đi. Tôi thấy quá đắt, dắt xe đi ra thì họ đòi thu 20.000 đồng tiền vé đã xé, không đưa thì họ không cho ra. Tôi thấy trước sau gì mình cũng thiệt nên tôi đành móc tiền đưa cho họ và vào xem trận đấu”.

Dẫu việc xử phạt ở mức cao nhưng xem ra chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”, không quyết liệt và dứt khoát. Ở góc độ nào đó, thiết nghĩ người dân không nên thỏa hiệp với những hành động dối gạt và ngang ngược này. Tích cực phản ảnh lên các cơ quan chức năng nhanh chóng kịp thời để chấm dứt tình trạng này. Đồng thời, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng nắm bắt, đi đến tận cùng của vấn nạn này.

Những tưởng như vậy là đã yên, khi vào đến cổng bảo vệ không cho mang nước uống vào với lí do ở trong cũng có bán. Bao nhiêu cổ động viên đành bỏ nước ở ngoài và vào đó mua nước với giá đắt gấp đôi.

Bất chấp quy định

Tình trạng các vỉa hè xung quanh các sân vận động, nhà thi đấu trên địa bàn TP.HCM bị trưng dụng làm chỗ gửi xe với giá cắt cổ không còn gì xa lạ. Người dân vẫn ngậm ngùi chấp nhận bị chặt chém hết lần này đến lần khác. Mặc dù UBND TP.HCM đã ban hành quy định về phí gửi xe gắn máy, xe đạp vào ban ngày chỉ từ 2.000-5.000 đồng. Như vậy với tình trạng như đã phản ánh ở trên thì hầu hết các điểm giữ xe này đã thu sai quy định. Ít nhất các bãi giữ xe này đã thu chênh lệch bỏ túi từ 15.000-35.000 đồng/chiếc, đây là một số tiền không nhỏ. Như vậy, đối với những bãi giữ xe có lượng xe ra vào nhiều như tại các sân vận động số tiền có thể lên đến vài chục triệu đồng. Cũng theo quy định này thì những hành vi vi phạm thu sai quy định có thể bị mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Đối với hành vi mập mờ về giá có thể bị phạt từ 1-6 triệu đồng.

Một người dân bức xúc nói: “Bỏ 250.000 đồng để mua một chiếc vé giá 100.000 đồng thì cũng cho là chúng tôi chấp nhận đi nhưng nó lại là vé giả thì rất bức xúc. Việc này có phải mới diễn ra đâu, nó diễn ra hằng ngày ngay trước sân vận động vậy việc ngăn chặn sao không diễn ra để nhiều người dân không bị lừa. Đối với việc bảo vệ giải thích không cho mang nước vào vì sợ khán giả, cổ động viên ném chai nước xuống sân. Vậy tại sao lại cho bán nước ngay bên trong sân với giá cao như thế và những chai nước đó chúng tôi cũng có thể dùng để ném xuống sân. Vậy nên lời giải thích đó tôi cho là không hợp lí”.

Làm sao dẹp bỏ được vấn nạn này đang là một câu hỏi khó bởi ngay từ đầu đã không quản lí chặt chẽ. Khiến cho nhiều người nghĩ đây là “chiếc bánh ngọt” nên tràn ra đường để làm ăn. Tạo nên sự hỗn loạn mỗi khi có sự kiện diễn ra. Để có khách, họ bước hẳn ra lòng đường để chặn đầu xe chèo kéo khách mua vé hoặc giữ xe.

Bài, ảnh: Phạm Quyên