Thứ tư, 22/2/2012, 16h02

Nâng cao chất lượng dạy - học môn lịch sử

Học lịch sử thông qua trò chơi dân gian sống động ở Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng)

Trước thực trạng giới trẻ ngày càng thờ ơ với lịch sử nước nhà, tại TP.Đà Nẵng, nhiều trường học, từ ban giám hiệu đến giáo viên (GV) bộ môn lịch sử đã có những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn này.
Bắt đầu từ lịch sử địa phương
Lâu nay việc dạy học môn lịch sử đối với đa phần GV là giảng theo giáo trình sách giáo khoa. Tuy nhiên do đây là môn học với nhiều con số, sự kiện nên học sinh (HS) dễ bị nhầm lẫn dẫn đến tâm lý chán nản. Minh chứng cụ thể là các kỳ thi ĐH gần đây, có hàng ngàn bài thi môn lịch sử đạt điểm 0, chưa tới 33% bài thi trên điểm trung bình. Kết quả ấy, với nhiều người yêu sử, đặc biệt là các thầy cô dồn tất cả tâm huyết là rất đáng thất vọng.
Để “cải thiện” tình hình, nhiều thầy cô ở TP.Đà Nẵng đã có nhiều sáng kiến hay. Đơn cử như sáng kiến của các GV bộ môn lịch sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn). Để có thêm tư liệu liên hệ cho bài giảng, các GV bộ môn đã phải đọc tham khảo lấy thêm tư liệu ở sách viết về Đà Nẵng ngay từ buổi đầu chống Pháp. Nhờ đó, tiết học trở nên sinh động, cuốn hút hơn bởi những địa danh như thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Cửa Hàn… rất gần gũi với các em. Câu chuyện về những đội quân “động làm binh, tĩnh làm dân” mà rất nhiều trận đánh của họ đã khiến quân Pháp nhiều phen khiếp đảm dù ít được lưu lại trong chính sử nhưng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian với những trận đánh, cách đánh ly kỳ, hấp dẫn như đánh giặc bằng trái mù u, vỏ dừa khô, cái đòn gánh…
Khi dạy về nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Lịch sử Việt Nam lớp 12), ngoài những kiến thức cần ghi nhớ trong sách giáo khoa, GV bộ môn còn cung cấp tư liệu về đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thầy Phạm Đình Được, GV dạy môn lịch sử tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, cho biết: Những cách làm này sẽ giúp HS hiểu sâu hơn, thấm thía hơn giá trị của hòa bình hôm nay. Bởi lẽ, dù dâu bể đổi thay, nhưng câu chuyện về ơn dân và nghĩa đồng bào thiêng liêng đầy trách nhiệm như một lời nhắc nhở cho các em HS - thế hệ hôm nay và mai sau rằng, chúng ta đang hưởng thụ cuộc sống yên bình hôm nay là nhờ công ơn những người đã anh dũng ngã xuống ngày hôm qua.
Thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho hay: Nhà trường chú trọng việc cho HS tham quan thực tế các điểm như Bảo tàng Quân khu V, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đà Nẵng; các di tích thành Điện Hải, K20… nhằm khắc sâu hơn kiến thức lịch sử cho các em. Nhờ những hình ảnh sinh động ở bảo tàng đã làm “mềm” hóa lịch sử, thu hút sự quan tâm của HS. “Trong dạy học, ngôn ngữ, cảm xúc của người thầy hết sức quan trọng”, thầy Tánh nhấn mạnh.
Đến đầu tư kiến thức chiều sâu
Theo kinh nghiệm của nhiều thầy cô dạy lịch sử, trước tiên GV phải xác định kiến thức cơ bản ở bài giảng, HS cần nắm gì qua bài học để thiết kế những bộ phiếu kiến thức nhằm phù hợp với việc cho HS tổ chức hoạt động nhóm vừa mang tính trò chơi, vừa khai thác kỹ năng và phát huy vai trò tích cực của HS.
Vài năm trở lại đây, số lượng HS xin đăng ký vào đội tuyển HS giỏi dự thi môn lịch sử của Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận Liên Chiểu) bao giờ cũng vượt chỉ tiêu. “Đầu năm học này có 13 em đăng ký, chúng tôi “lọc” lại còn 9 em và sẽ tiếp tục “lọc” trong quá trình học bồi dưỡng. Năm nào, trường cũng nằm trong top dẫn đầu về số lượng lẫn chất lượng giải ở kỳ thi HS giỏi cấp TP môn lịch sử” - cô Ngô Thị Dậu, Trường Nguyễn Thái Bình cho biết.
“Để giờ học môn lịch sử không nhàm chán, đơn điệu hay quá nặng nề với HS, chúng tôi đã nỗ lực hết mình. Thậm chí, ứng dụng CNTT trình chiếu các đoạn phim tư liệu, khai thác tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ… hoặc lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử bằng ca dao, tục ngữ; tổ chức chơi trò chơi ô chữ hướng đến trọng tâm của bài học, chắt lọc sự kiện để HS dễ dàng nắm bắt, hứng thú học tập”, cô Dậu cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các trường còn tạo điều kiện tối đa trong hỗ trợ phương tiện, thiết bị đồ dùng dạy học như máy chiếu, sa bàn. Thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn, cho biết: Chúng tôi chủ trương trong năm học này, thư viện ưu tiên nhiều hơn về các đầu sách lịch sử; đồng thời tiếp tục phát động chương trình Đi tìm địa chỉ đỏ - cho HS tự tìm hiểu và giới thiệu về các di tích lịch sử ở địa phương, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng… giúp các em hiểu sâu hơn về lịch sử.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên