Thứ ba, 25/10/2016, 22h49

Nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ

Trong 9 tháng vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị xuất bản, phát hành đã thực hiện công tác phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP. Nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân TP.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao hoạt động của ngành xuất bản, in và phát hành trong thời gian qua

Tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp xuất bản, in, phát hành do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa tổ chức sáng 25-10, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn, nguyện vọng còn vướng mắc để tiếp tục có sự phát triển lâu bền, mạnh mẽ hơn.

Cần tạo thêm nhiều điều kiện để phát triển

Có thể nhận thấy, hoạt động xuất bản, in, phát hành trong thời gian gần đây đã dần có những bước ổn định, biến chuyển rõ rệt. Trong đó, việc ra đời đường sách TP.HCM đã trở thành sự kiện quan trọng của ngành xuất bản. Tại đây, nhiều hoạt động triển lãm, giới thiệu sách, đấu giá sách quý, tọa đàm, giao lưu tác giả - tác phẩm đã thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu sách, khách tham quan. Nhiều đơn vị sách đã có sự chủ động, đầu tư nhiều sân chơi cho người yêu sách.

Được biết, ngành in TP có mức tăng trưởng từ 7-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tín hiệu tích cực của ngành in TP. PGS.TS Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In TP.HCM cho biết: “Từ năm 2014, ngành xuất bản, in gặp nhiều khó khăn khi Nghị định 60/2014/NĐ-CP được ban hành. Những hạn chế của nghị định này đã dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp “né” giấy phép. Nếu những hạn chế được dỡ bỏ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội phát triển, hội nhập”. Bên cạnh đó, hoạt động của các đơn vị, công ty phát hành cũng có những bước biến chuyển tích cực. Một số công ty phát hành sách lớn trên địa bàn TP như Fahasa, Phương Nam, Tiki… tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong hoạt động phát hành của TP. Ông Lê Hoàng, đại diện Cục Xuất bản khu vực phía Nam chia sẻ: “Trong xu hướng chung, đội ngũ những người làm công tác xuất bản ngày càng lớn mạnh, thích nghi với thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu đọc vẫn chưa được phổ biến rộng rãi”. Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị cũng bày tỏ quan điểm đề nghị đưa tội in lậu thành tội danh hình sự để góp phần hạn chế tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan như hiện nay. Vấn đề quy hoạch lại các hội sách cũng được nhiều đơn vị quan tâm vì tình trạng hội sách tràn lan như hiện nay đã ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn và tài chính, nhân lực của các NXB, các công ty phát hành sách.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM bày tỏ mong muốn các đơn vị làm sách không ngừng cải tiến nội dung, chất lượng của các đầu sách phù hợp với lứa tuổi, phục vụ tốt nhất cho học sinh.

Ngành xuất bản, in, phát hành là một ngành đặc thù, là sản phẩm của tri thức. Dẫu không mang lại doanh thu cao như những ngành công nghiệp khác nhưng ngành này lại đóng góp rất nhiều trong việc nâng cao dân trí, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Bà Quách Thu Nguyệt, thành viên Ban điều hành đường sách TP.HCM nhấn mạnh sự phát triển của hệ thống thư viện trên địa bàn TP cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành. “Hệ thống thư viện công cộng đang thu hẹp dần. Hai thư viện lớn nhất TP.HCM hiện nay là Thư viện Khoa học tổng hợp và Thư viện Khoa học xã hội chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của người dân TP. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện ở trường học cũng chưa được sự quan tâm đúng mức”. Nhiều đại diện các đơn vị đã bày tỏ sự trăn trở về tình hình phát triển văn hóa đọc trong nhà trường hiện nay. Hội xuất bản đã đề xuất mỗi tuần, các trường nên dành một khoảng thời gian cho học sinh đọc sách. Giữa sự phát triển, cạnh tranh của nhiều phương tiện giải trí khác, văn hóa đọc trong giới trẻ cần được chú trọng nâng cao hơn bao giờ hết. Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM bày tỏ mong muốn các đơn vị làm sách không ngừng cải tiến nội dung, chất lượng của các đầu sách phù hợp với lứa tuổi, phục vụ tốt nhất cho học sinh. “Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đang khảo sát để xây dựng những mô hình thư viện tiên tiến, với nhiều đầu sách và số hóa, các hệ thống phần mềm đọc sách. Nhiều trường học đã dành cho các em một khoảng thời gian đọc sách tại trường và bước đầu đã có những hiệu ứng tốt. Các nhà sách cũng cần tạo ưu đãi cho học sinh, nên có những không gian cho các em có sự thoải mái khi đến mua sách”, ông Nam cho biết.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao hoạt động của ngành xuất bản, in và phát hành trong thời gian qua. “Sự hoạt động hiệu quả của đường sách đã nâng cao đời sống tinh thần của người dân TP. Trong thời gian tới, cần phải có nhiều chương trình, giải pháp để nâng cao, phát triển văn hóa đọc không chỉ cho đối tượng học sinh mà cả người già cũng cần được quan tâm. TP sẽ ủng hộ nếu thực hiện được giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi và sẽ trích ngân sách để hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay. Những giải pháp phát triển văn hóa đọc cần được thực hiện đồng bộ, có lộ trình cụ thể”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Yên Hà