Thứ sáu, 25/12/2015, 14h19

Nâng chuẩn để đảm bảo chất lượng

Dù một số nội dung còn băn khoăn nhưng Quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là Thông tư 32) Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành có nhiều điểm sáng tích cực nhằm siết chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng như về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô đào tạo.

Có thể nói, nếu Thông tư 32 được thực thi nghiêm thì sẽ chấm dứt được tình trạng tăng trưởng nóng về quy mô chỉ tiêu, cân đối lại ngành nghề đào tạo.

Nhiều trường sẽ phải điều chỉnh quy mô đào tạo khi áp dụng Thông tư 32

Nâng chuẩn

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, Thông tư 32 xét về tổng thể có nhiều điểm quy định khá chi tiết về xác định chỉ tiêu so với Thông tư 57. Điểm mới dễ nhận thấy là Thông tư 32 áp dụng quy định mới (3 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng/sinh viên, quy mô sinh viên chính quy tối đa) trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trước đây, Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở yêu cầu xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên cơ hữu chung của toàn trường, không phân chia theo khối ngành đào tạo khiến nhiều trường chỉ cố dồn tập trung chỉ tiêu đào tạo vào các ngành dễ tuyển sinh, ngành “hot”, làm cho các ngành này có tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nếu như Thông tư 57 quy định diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo là 2m2/sinh viên thì Thông tư 32 nâng lên thành 2,5m2/sinh viên.

Ngoài 2 tiêu chí trên, Thông tư 32 có thêm tiêu chí thứ 3 đó là quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, Bộ GD-ĐT chia 3 mức quy mô: 5.000 sinh viên (các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành nghệ thuật); 8.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục thuộc khối ngành sức khỏe; 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) thuộc khối ngành: khoa học giáo dục, giáo viên; khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật; khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; khối ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản…

Đối với ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) và ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế), quy mô sinh viên chính quy tối đa được xác định theo các trường thành viên. Ngoài ra, với những trường hợp đặc biệt (có thể là ĐH trọng điểm, trường đặc thù), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Trong 3 tiêu chí trên, tiêu chí 1 được áp dụng để xác định chỉ tiêu cho từng khối ngành, còn tiêu chí 2 và 3 được xác định chung cho toàn cơ sở giáo dục ĐH. Đồng thời, Thông tư 32 cũng quy định cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp trừ các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành nghệ thuật và các cơ sở giáo dục ĐH thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo CĐ, trung cấp khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên.  

Đảm bảo tính khả thi

Đánh giá về Thông tư 32, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Thông tư mới này có nhiều điểm tích cực, quy định các điều kiện chi tiết để ràng buộc các cơ sở đào tạo phải đảm bảo các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo. Hơn nữa, việc thông tư quy định xác định chỉ tiêu theo khối ngành sẽ hạn chế được việc trường này, trường kia lợi dụng kẽ hở để khai khống giảng viên, dồn chỉ tiêu sang những ngành hot và quan trọng là cân đối lại ngành nghề đào tạo, nguồn nhân lực”. 

Riêng với quy định ở tiêu chí 3, quy mô không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên; khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật; khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; khối ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản…, một số cơ sở giáo dục còn băn khoăn. Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, đây được xem là điều kiện ràng buộc để các trường đảm bảo chất lượng, quy mô đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường ĐH đa ngành như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nông lâm TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn… quy mô đào tạo lớn hơn con số 15.000 sinh viên, nên các trường sẽ được cơ chế riêng và Bộ GD-ĐT sẽ xem xét.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, đánh giá: “Thông tư 32 có nhiều quy định mới với các tiêu chí cao hơn so với Thông tư 57 trước đây. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là lộ trình thực hiện phải tuân thủ, đồng thời Bộ GD-ĐT phải xem xét tính khả thi của thông tư khi áp dụng vào thực tế. Theo Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có khoảng 11 cơ sở giáo dục ĐH có quy mô đào tạo hơn 15.000 sinh viên là không hợp lý. Riêng tại TPHCM thôi thì đã đạt đến con số 11 rồi”. Do đó, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Bộ GD-ĐT nên rà soát và đánh giá cụ thể bao nhiêu trường hiện có quy mô đào tạo trên 15.000 sinh viên, nếu không thì có thể sẽ “cài” các trường vào thế vi phạm.

Nhìn một cách thận trọng, TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích: “Hiện nay, đa phần các cơ sở giáo dục nguồn thu chủ yếu là học phí nên khi áp dụng thông tư sẽ có 2 tình huống. Nếu trường nào tích cực tự thân vận động, thu hút người giỏi, đào tạo có chất lượng thì sẽ thu hút và có thêm nguồn thu ngoài học phí. Nếu trường nào bị cắt giảm quy mô, chỉ tiêu, đồng thời không có nguồn thu ngoài học phí thì sẽ rất khó khăn”.

Theo Bộ GD-ĐT, với cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo trình độ CĐ, mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ ít nhất 30% so với năm 2015, để dừng tuyển sinh hệ CĐ trước năm 2020. Với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo trình độ trung cấp phải chấm dứt vào năm 2017. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối vối khối ngành sức khỏe, không quá 20% chỉ tiêu đối với các khối ngành còn lại. Đối với hệ đào tạo vừa làm vừa học (liên thông, văn bằng 2), chỉ tiêu không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hàng năm. Chỉ tiêu hệ đào tạo từ xa sẽ được Bộ GD-ĐT xem xét căn cứ theo đề án của từng cơ sở và không được đào tạo khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên.


THANH HÙNG/ SGGP