Thứ ba, 22/12/2015, 22h37

Nặng lòng với con bị tự kỷ

Trẻ tự kỷ luôn mong muốn chúng ta lắng nghe, lắng nghe để hiểu, yêu thương, để hành động đúng. Một trong những lắng nghe ấy là cha mẹ trẻ cần vượt qua mặc cảm của chính mình, để vững vàng sát cánh bên con, để dìu con từng bước hòa nhập cuộc sống dù đôi khi rất mệt mỏi.

Sự chấp nhận của cha mẹ đối với con tự kỷ

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì khi bố mẹ tìm hiểu về chứng tự kỷ của con họ, họ mong ước có những điều kỳ diệu để tìm ra hướng giải quyết. Họ hân hoan chờ đợi có đứa trẻ để nuôi dạy nó học hành và lớn lên, thay cho điều đó họ phải chấp nhận một sự thật là họ có đứa trẻ không giống như giấc mơ của họ và họ sẽ phải kiên nhẫn đối mặt hàng ngày với thử thách đó. Một vài gia đình từ chối tìm hướng giải quyết hay mơ mộng về một liều thuốc khỏi bệnh ngay tức khắc. Họ nhầm lẫn đứa trẻ này với… đứa trẻ đặc biệt khác, hy vọng một sự chẩn đoán khác đi. Đó là điều quan trọng để gia đình khắc phục khó khăn và đối mặt với vấn đề, trong khi đó họ vẫn giữ kín trong lòng một hy vọng thầm lặng về tương lai cho những đứa trẻ của họ.

Mong muốn của cha mẹ có con tự kỷ là hy vọng, mong con sớm hòa nhập và trở thành đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác... Ảnh: I.T

Tuy nhiên, bên cạnh đó có những bậc cha mẹ không chấp nhận rằng con mình bị tự kỷ mặc dù họ đã đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là con họ đang mắc hội chứng đó. Họ tỏ ra bất hợp tác với các nhà trị liệu, một mực phủ định bệnh của con họ, cáu gắt và giận dữ nếu ai đó nói rằng con họ bị tự kỷ. Chính thái độ này đã làm cho họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chạy chữa cho con, họ không cố gắng, không nhẫn nại, bảo thủ, cực đoan nên không tin vào khả năng tiến bộ của con mình nếu được can thiệp.

Sự gắn bó của cha mẹ đối với con tự kỷ

Cũng theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì trẻ tự kỷ luôn mong muốn chúng ta lắng nghe, lắng nghe để hiểu, yêu thương, để hành động đúng. Một trong những lắng nghe ấy là cha mẹ trẻ cần vượt qua mặc cảm của chính mình, để vững vàng sát cánh bên con, để dìu con từng bước hòa nhập cuộc sống dù đôi khi rất mệt mỏi.

Và cha mẹ lắng nghe con rồi, thì làm những gì có thể tựa như cây cầu nối con với cộng đồng xung quanh, làm cho cộng đồng xung quanh cũng hiểu con, hiểu chứng tự kỷ, hiểu những hành vi đôi khi quái gở của con không phải do con muốn thế, cũng không phải do bố mẹ không quan tâm dạy dỗ con, mà đó là cái tật của con, cái tật ấy nếu được nhận thức đúng, ứng xử đúng thì có thể vô hại, nhưng bị hiểu nhầm, đánh giá sai, bị xa lánh và kỳ thị thì đôi khi cũng gây hiểm họa.

Mong muốn của cha mẹ đối với con tự kỷ là sự hy vọng vào sự tiến bộ của con, mong con sớm hòa nhập và trở thành đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, mong con có thể tự lập được, sống hạnh phúc, có thể lập gia đình và sinh con bởi cha mẹ luôn lo lắng rằng một ngày không xa nữa cha mẹ sẽ già, lúc đó ai sẽ là người ở bên cạnh con. Có thể mong muốn đó so với những đứa trẻ bình thường là giản đơn, nhưng đối với những gia đình có con tự kỷ thì điều đó lại trái ngược hoàn toàn. Cha mẹ có con bị tự kỷ do phải lo lắng nhiều, dành nhiều thời gian chăm sóc và có khi bận rộn hay mệt mỏi, họ có thể xao lãng những đứa con khác trong gia đình. Họ nghĩ rằng đứa con khuyết tật của họ bị thiệt thòi nhiều nên họ cố gắng bù đắp cho con bằng mọi cách, luôn dành tình cảm đặc biệt hơn so với các con là trẻ bình thường.

Minh Thành (ghi)