Thứ ba, 28/3/2017, 21h00

Nắng nóng, bệnh nhi tăng!

Nắng nóng đột ngột không chỉ làm cho người lớn mệt mỏi, khó chịu mà cả trẻ em cũng bị mắc bệnh. Đây là lý do làm cho trẻ nhập viện đang tăng cao. Theo BS.CKI Lê Công Thiên - Phó khoa Khám bệnh BV Nhi đồng 2 TP.HCM, bệnh hô hấp, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiêu hóa là những bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa nắng nóng như hiện nay.

Do nắng nóng, nên đông đảo phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tại BV Nhi đồng 2

Lở da, ho hen do nắng nóng

Bé Phi Yến, SN 2014 con gái út vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phong nhà ở đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh đang điều trị tại BV Nhi đồng 2 do nhiễm trùng da là trường hợp mới nhất. BS Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 cho biết, các bệnh nhiễm khuẩn da thường gặp trong mùa hè là nhiễm trùng da do tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn và do nấm da. Nếu phát hiện ngoài da bé có những mụn nhỏ lấm tấm ngay tại vị trí chân lông và sau đó có mủ là có thể trẻ đã bị viêm nang lông do tụ cầu khuẩn gây ra. Đây cũng là mùa trẻ em thường bị chốc lây, chốc loét mà thủ phạm chính là liên cầu khuẩn với các triệu chứng như lở loét xung quanh miệng, vùng mặt đỏ ửng. Mùa hè làm cho da dễ bị ẩm ướt trong lúc đó da trẻ sức đề kháng yếu hơn nên đây là cơ hội tốt cho bệnh lở loét chốc lây ở trẻ vào mùa. Không như người lớn tay chân và cơ thể thường có nhiều ngấn nhất là trẻ nặng cân béo phì, đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để cho các loại vi khuẩn có cơ hội trú ngụ dài ngày sinh ra chốc lở, hăm loét. Trong những ngày gần đây tại Khoa Khám bệnh của BV Nhi đồng 2 mỗi ngày số trẻ đến khám vì nhiễm trùng da, nấm da tăng vọt. Có nhiều trẻ không chỉ bị hăm ở kẽ tay kẽ chân mà nấm da đã ăn lan nhiều nơi trên cơ thể nên việc chữa trị dài ngày và khó khăn hơn.

Không chủ quan khi trẻ bất thường

Thời tiết khó chịu, nhiệt độ tăng cao cũng dễ làm cho đường hô hấp của trẻ “có vấn đề” do nhiễm trùng. BS.CKII Phạm Văn Hoàng - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết thời điểm này trong tuần mỗi ngày BV này tiếp nhận gần 5.000 lượt trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, các nhóm bệnh mùa nóng đang có xu hướng gia tăng. Nếu bệnh về đường tiêu hóa chỉ chiếm 10% thì các bệnh nhiễm chiếm 30%, đặc biệt bệnh hô hấp chiếm trên 30%. Một số bệnh nhi do viêm đường hô hấp trên cấp tính không được chữa trị đến nơi đến chốn nên đã chuyển sang viêm đường hô hấp trên mạn tính. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy như: sốt cao, hắt hơi, chảy mũi đau rát họng, ho, mệt mỏi… Ngoài ra, các bệnh dịch như tay-chân-miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết… cũng được ghi nhận có lượng bệnh nhân tăng lên.

Còn tại BV Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày có gần 7.000 trẻ đến khám, trong đó có 384 trẻ phải nhập viện điều trị. Theo báo cáo của Khoa Hô hấp 1, số bệnh nhi trong tuần qua tăng lên con số 180-190 trẻ/ngày. Trong khi thời điểm trước đây khoảng một tháng chỉ trung bình 150 trẻ/ngày. Lượng bệnh nhi tập trung về khá đông, kèm theo thời tiết oi bức dẫn tới số giường nằm không đủ. Nhiều giường có 2 trẻ nằm chung. Cũng giống như những lần quá tải trước nhiều người đã mang con ra hành lang BV để nghỉ ngơi và sinh hoạt cho thoáng mát.

BS Hoàng cho biết thông thường vào mùa nóng, bệnh ở trẻ mới bùng phát khi nhiệt độ lên cao khoảng 380C. Tuy nhiên, chu kỳ bệnh năm nay đã có nhiều thay đổi, một phần nguyên nhân do thời tiết bất thường, một phần xuất phát từ việc chăm sóc không đúng cách của phụ huynh. Theo BS Hoàng, khi gặp tình trạng viêm da, sốc nhiệt vào mùa nắng nóng, phụ huynh hay dùng những phương pháp dân gian như cho con tắm lá cây, rễ cây. Tuy nhiên, đây là những điều cấm kỵ, nó sẽ làm tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.

BS Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 2 cho hay, hiện nay các phụ huynh đã hiểu biết ít nhiều về bệnh của trẻ em nên cách phòng tránh đã tốt hơn. Tuy nhiên, do chủ quan và tâm lý ngại nên nhiều trường hợp cha mẹ để con bệnh nặng mới đưa đến BV. Đặc biệt, khi trời nóng cha mẹ nên chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng máy lạnh và bên ngoài. Tránh làn da cơ thể không kịp thích ứng sẽ bị sốc và sụt giảm sức đề kháng. Đối với bệnh nhiễm trùng da ở bé, BS lưu ý các cô giáo cũng như phụ huynh cần thường xuyên khử trùng đồ chơi sau khi cho trẻ chơi. Bên cạnh đó, thức ăn của trẻ phải được chế biến đúng, kiểm tra thường xuyên. Không nên tự ý mua thuốc kháng sinh về nhà tự điều trị cho bé vì sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, khó điều trị về sau. 

Sốt xuất huyết, tay chân miệng là hai nhóm bệnh gây biến chứng và tử vong cao. Vì thế khi trẻ sốt cao từ hai ngày trở lên cha mẹ phải đưa trẻ đến BV để BS kịp thời phát hiện và điều trị. “Không nên cho trẻ uống nhiều nước đá dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc chuyển bé từ chỗ nóng sang chỗ lạnh một cách đột ngột dễ bị ảnh hưởng tới đường hô hấp” - BS Trần Thị Quỳnh Hương, Khoa Hô hấp 2 (BV Nhi đồng 2) khuyên.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh