Thứ ba, 6/12/2016, 22h01

Náo nức giờ học hát!

Học sinh (HS) học hát là được tiếp xúc với âm nhạc có lời. Đối với HS tiểu học, mỗi bài hát khi được thưởng thức đã mở ra những cánh cửa tâm hồn và trí tuệ để nhân cách được nảy mầm tươi tốt. Đó cũng là trách nhiệm của từng giáo viên (GV) bộ môn âm nhạc khi truyền thụ kiến thức cho các em thông qua những nốt nhạc vui tươi.

Giờ dạy nhạc của thầy Nguyễn Hoàng Dương tại Trường Tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận. Ảnh: N.Q

Tiết học... ồn ào

Chưa vào tiết học âm nhạc nhưng 30 HS lớp 2/2 của Trường Tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) đã rất náo nức khi được thầy Nguyễn Hoàng Dương (GV bộ môn âm nhạc) phát song loan, phách… Một số em hiếu động đã cầm lên gõ thử nhịp như lời chào mở đầu cho tiết học 15 mang tên Chiến sĩ tý hon (nhạc sĩ Đinh Nhu - Việt Anh). Những nhạc cụ trên tay các em là “cầu nối” liền mạch để GV bộ môn thực hiện khâu kiểm tra bài cũ Cục cách tùng cheng. Từ giây phút đó không khí lớp học như được châm ngòi khi âm thanh từ nhạc cụ vang lên. Không chỉ có HS yêu thích âm nhạc mà ngay cả những em vốn trầm lặng, ít nói và chưa có năng khiếu cũng bắt đầu hòa nhịp vào sân chơi đặc biệt này. Hiệu ứng của giờ học lại được cộng hưởng khi GV biết phối hợp giữa phương pháp ghi bảng truyền thống với màn hình trình chiếu PowerPoint. Đây chính là cơ hội để GV “mở” ra cuốn giáo án sinh động lại vừa đảm bảo tính chân xác. “Cuốn giáo án” lại trở thành sân chơi thú vị khi GV kêu mỗi em lên thử giọng hát. Nhiều HS thích thú vì vừa được học vừa được “hát karaoke”. Ngoài giáo án trình chiếu, thầy Dương còn có dụng cụ dạy học “bất ly thân” cho tiết âm nhạc, đó là chiếc đàn organ để trên bàn. Tiếng đàn của GV đứng lớp vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài học lại vừa là tông nền không thể thiếu khi HS tiếp xúc với một tác phẩm âm nhạc cụ thể. Có thể khẳng định không có tiết học nào “ồn ào” hơn tiết học nhạc nhưng đó là sự ồn ào cần thiết vì càng làm cho bài học hiệu quả hơn.

Tương tự, trong tiết dạy 5 bài Đếm sao (nhạc sĩ Văn Chung) của thầy Đỗ Quang Phúc tại lớp 3/1 Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5 (TP.HCM) cũng náo nhiệt không kém. Ngoài nhạc cụ đơn giản dành cho HS, các em còn có thêm một “nhạc cụ sống”, đó là đôi bàn tay bé xíu. Dưới sự hướng dẫn của GV, đôi bàn tay của 30 HS trong lớp đã trở thành những nhạc cụ cơ động tạo thành những bản phối âm tròn trịa. Sau khi nghe bài hát mẫu, các em đã tự biết điều khiển đôi tai của mình để thẩm thấu cách lấy hơi nhả chữ và lên xuống giọng trong từng đoạn nhạc...

Các em HS tập hát trong tiết học âm nhạc của thầy Đỗ Quang Phúc tại Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5. Ảnh: N.Q

Mũi tên “bắn trúng” nhiều đích

Vốn là chuyên viên mạng lưới Bộ môn âm nhạc của Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, thầy Nguyễn Hoàng Dương đã từng tham dự nhiều tiết thao giảng của đồng nghiệp dạy tiểu học ở các trường trong quận. Đây chính là may mắn lớn nhất của người thầy có hơn 10 năm đứng lớp đối với bộ môn năng khiếu đặc biệt này. Theo thầy Dương, ngoài việc cung cấp kiến thức âm nhạc cho các em trong 35 phút, mỗi bài giảng phải là một tiết học hát hấp dẫn để “đốt cháy” sự say mê cho người học. Từng đứng trước nhiều chuyên đề để báo cáo với các tổ bộ môn ở nhiều trường, thầy Dương đã có một kho kiến thức về lĩnh vực âm nhạc và quan trọng hơn là tiếp cận sớm nhất phương pháp đổi mới giảng dạy bộ môn âm nhạc ở trường phổ thông. Thầy Dương cho hay, mỗi bài hát có một đời sống độc lập, chính vì thế phải cho các em “bén duyên” âm nhạc với một cảm xúc riêng. Có như vậy bài học mới được ghi nhớ và sẽ đồng hành mãi mãi với cuộc đời. Ngoài phần âm thanh, mỗi bài hát cũng có một lối đi riêng về ngôn ngữ văn học. Đây chính là hiệu ứng kép để bộ môn âm nhạc có cơ hội trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Việt.

Khác với thầy Nguyễn Hoàng Dương, thầy Đỗ Quang Phúc vốn là một ca sĩ chuyên nghiệp sở hữu giọng ca đẹp nên có lợi thế hơn khi “trình diễn” bài học trước HS. Không chỉ nhớ bài học, các em còn được thưởng thức giọng hát ngọt ngào và ấm áp của thầy ngay trên bục giảng. Vì thế khi được học âm nhạc với thầy Phúc, dù năng khiếu âm nhạc của các em còn dưới dạng tiềm năng cũng được đánh thức kịp thời. Nhiều HS sau đó trưởng thành trông thấy khi biết xử lý bài hát thuần thục và còn hứng khởi vận động, nhảy múa theo nhạc khi biểu diễn hay tham gia trò chơi. Một mũi tên “bắn trúng” được nhiều đích, những giờ học trôi qua thật không uổng phí.

Đúng như nhạc sĩ Bùi Anh Tôn (chuyên viên bộ môn âm nhạc, Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, dạy hát không chỉ phát triển năng lực âm nhạc của HS mà còn giáo dục các em những tình cảm tốt đẹp, giúp các em thêm yêu thích âm nhạc có khả năng ca hát trong và ngoài trường học.

Phan Ngọc Quang