Thứ sáu, 30/10/2015, 08h20

Nên giao sở GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp?

Ngày 28-10, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Hai vấn đề được các đại biểu quan tâm là giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ…

Bộ có ôm cũng không chuẩn hóa được cả nước

Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều cho rằng Bộ GD-ĐT nên tách riêng hai việc tốt nghiệp và xét tuyển. PGS. Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các sở GD-ĐT, còn tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao cho các trường tự chủ. PGS. Cương đánh giá kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cả 3 mặt giảm căng thẳng, giảm tài chính, chọn đúng năng lực thí sinh đều chưa đạt được. Nguyên nhân do Bộ GD-ĐT giao việc không đúng và chủ yếu bộ ôm công việc đáng lẽ nên giao và tin tưởng người được giao. Không những thế, theo ông Cương, đánh giá của bộ không logic và thiếu thực tế. Ông lấy ví dụ ở cụm thi ĐH đỗ tốt nghiệp 96%, cụm thi phổ thông là 86%, bộ kết luận là cụm địa phương thi nghiêm túc. “Lý do nào kết luận nghiêm túc. Không có chứng minh gì?” - ông Cương đặt câu hỏi.

Ví dụ hai là thi theo năng lực. Nhưng bộ chỉ nói cảm tính. Bài thi toán năm nay có khác bài thi 10 năm trước không? Bắt đầu khảo sát hàm số. Trong khi đó, chỉ cần vào máy là ra, rồi giải phương trình, hình học không gian năm nào cũng có.

Thí sinh xem bài trước giờ thi THPT quốc gia 2015 môn sử. Ảnh: M.T

Chính vì vậy, với kỳ thi năm 2016, PGS. Văn Như Cương cho rằng cần phải có phân tích, đánh giá lại. “Tôi xin nói không có cách gì vừa tốt nghiệp, vừa đánh giá năng lực học sinh. Tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp giao cho sở và làm nhẹ nhàng. Có thể đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia Hà Nội có tất cả các câu hỏi rồi kết hợp với học bạ hoặc xem như thi học kỳ 2 của lớp 12. Tôi nghĩ tốt nghiệp đến 99% hay 100% cũng không có vấn đề gì. Còn thi ĐH thì giao quyền tự chủ cho các trường, các trường có quyền lựa chọn mô hình phù hợp” - ông Cương đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng thi tốt nghiệp nên để cho sở GD-ĐT. Bộ có ôm cũng không chuẩn hóa được cả nước. Thứ hai là tuyển sinh để các trường tự chủ, không cần điểm sàn.

Tự chủ tuyển sinh: Bộ đã giao nhưng...

Về vấn đề tuyển sinh ĐH-CĐ, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng nên tách rạch ròi phần thi và phần tuyển. Về phần thi, từng trường ĐH khó có thể tổ chức được. Do đó, cần một kỳ thi chất lượng nên Bộ GD-ĐT có thể đứng lên tổ chức. Nhưng đến tuyển sinh, điểm của kỳ thi đó cho các trường tự quyết và không cần phải có điểm sàn. GS. Lâm Quang Thiệp cũng cho biết cách đây 2 năm, hiệp hội có đưa ra phương án tổ chức kỳ thi là thi trắc nghiệm, riêng hai môn toán, văn có thêm phần tự luận khoảng 30 phút. Đồng thời, giảm số môn thi trong đó có 2 môn tổng hợp là khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. “Tổng hợp thì sẽ làm được trong thời gian hiện nay còn tích hợp thì chưa làm được” - GS. Thiệp khẳng định. Ông Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, Hà Nội - cũng cho rằng, với kỳ thi năm 2016, phần tốt nghiệp bộ nên giao cho các sở GD-ĐT và bộ chỉ làm công việc ban hành quy chế, thanh tra, quản lý và ra đề thi. Tuyển sinh ĐH, bộ ban hành quy chế, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh, thanh tra kiểm tra các trường thực hiện.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu dự hội thảo, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết kỳ thi THPT quốc gia vừa qua không phải là kỳ thi 2 trong 1. Bản chất của kỳ thi này là học sinh học hết 12 năm học phải có “cái thang” để xem học sinh đứng ở đâu. Từ “thang” đó có 2 mục đích tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh. Do đó kỳ thi THPT quốc gia không phải kỳ thi tốt nghiệp và không phải kỳ thi tuyển sinh. Cũng theo ông Mai Văn Trinh, từ năm 2014, bộ đã giao cho các trường tự chủ tuyển sinh và rất mong muốn các trường tự chủ. Riêng về đề thi, trả lời những băn khoăn của PGS. Văn Như Cương, TS. Mai Văn Trinh cho rằng, năm 2015, môn toán đã có câu hỏi mở, còn các môn xã hội, đề thi đã đánh giá năng lực học sinh rất rõ. Chia sẻ thêm về vấn đề tự chủ, TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - cho rằng có vẻ như các trường vẫn chưa sẵn sàng tự chủ. Đứng từ cương vị một người từng quản lý một trường ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết: Bản thân tôi từng làm quản lý một trường ĐH, được giao tự chủ rất mừng nhưng rất lo vì phải có năng lực. Ví dụ được giao tự chủ tuyển sinh, phải rất cân nhắc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hùng cũng cho biết, bộ ghi nhận những đóng góp của các trường để kỳ thi THPT quốc gia 2016 được tổ chức tốt hơn.

Nghiêm Huê

ĐH Quốc gia TP.HCM góp ý phương án thi THPT quốc gia 2016

Góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ sắp tới, ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất năm 2016 vẫn thi theo các tổ hợp môn thi tương tự như 2015. Từ năm 2017 nên tổ chức thi các môn có tính tổ hợp: Khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (sử, địa).

TS. Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban Đào tạo ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng năm 2016 nên tiếp tục tổ chức 1 kỳ thi để đánh giá năng lực học sinh, sử dụng kết quả cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy nhiên nên giảm tỷ lệ sử dụng kết quả thi THPT trong xét tốt nghiệp (30% thay vì 50% như năm 2015) để thể hiện rõ quan điểm “đánh giá quá trình” trong giáo dục phổ thông, đồng thời giảm áp lực thi cử cho các thí sinh chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT.

Theo TS. Chính, chỉ nên tổ chức một loại cụm thi. Tiếp tục tổ chức các cụm thi liên tỉnh do trường ĐH phối hợp với các sở GD-ĐT đảm trách. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện công tác nhận và xử lý hồ sơ của thí sinh, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu. Hoàn thiện khâu quản lý, công bố kết quả thi, chia sẻ dữ liệu thi THPT quốc gia. Công tác ra đề thi cũng cần được hoàn thiện hơn, có đánh giá một cách khoa học đề thi của năm trước (xác định độ khó, độ phân loại của từng câu hỏi trắc nghiệm...) hướng đến cải tiến kỹ thuật ra đề thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi với các câu hỏi trắc nghiệm được đánh giá trước khi sử dụng.

Đặc biệt, TS. Chính đề xuất, định hướng đánh giá phù hợp với chương trình tích hợp. Trước mắt, năm 2016 vẫn thi theo các tổ hợp môn thi tương tự như 2015. Từ năm 2017 nên tổ chức thi các môn có tính tổ hợp: Khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (sử, địa).

Cụ thể, từ năm 2017 kỳ thi sẽ có 5 môn thi gồm: Toán và logic (tự luận), tiếng Việt và văn (tự luận), các môn ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội (cùng trắc nghiệm). Cần công bố sớm về chủ trương này để thí sinh có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh cách tiếp cận học tập và toàn ngành có thời gian chuẩn bị điều chỉnh cách dạy cũng như ngân hàng câu hỏi.

Về công tác xét tuyển ĐH-CĐ, TS. Chính cho rằng, cần giao quyền tự chủ xét tuyển cho các trường đồng thời tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ GD-ĐT đóng vai trò điều phối thông qua việc ban hành các điều kiện đảm bảo chất lượng, quy định các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển thống nhất; hỗ trợ quá trình xét tuyển thông qua việc chia sẻ cơ sở dữ liệu kết quả thi THPT quốc gia. (Sau kỳ thi THPT quốc gia, kết quả thi được quản lý tập trung tương tự như năm 2015 nhưng được chia sẻ rộng rãi cho các trường).

Chi tiết phương thức xét tuyển được đề xuất như sau: Sau khi thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi và 1 giấy xét nhập học. Trong mỗi đợt xét, thí sinh được nộp hồ sơ vào tối đa 3 trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng. Hồ sơ gồm giấy chứng nhận kết quả và phiếu đăng ký xét tuyển. Mỗi đợt nên gồm 12 ngày nộp hồ sơ và 3 ngày xét tuyển. Các trường có thể xét tuyển theo nhiều đợt cho tới hạn cuối cùng 30-10-2016…

Ở mỗi đợt xét tuyển, các trường công khai danh sách trúng tuyển của thí sinh. Thí sinh căn cứ trên kết quả trúng tuyển của mình để nộp giấy xét nhập học vào trường mà mình lựa chọn. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu trường nào, ngành nào còn chỉ tiêu thì tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.

Thục Trân