Thứ năm, 23/11/2017, 10h14

Nên giữ triệt để khu đất văn hóa cho TP.HCM

Từ năm 1900, dân số Sài Gòn còn ít và chưa có những dàn nhạc giao hưởng, opera nhưng do có quy hoạch, người Pháp mới xây dựng nhà hát lớn phục vụ công chúng cả trăm năm.

Nên giữ triệt để khu đất văn hóa cho TP.HCM - Ảnh 1.

Rạp hát Minh Châu (đường Lê Văn Sỹ, Q.3) là sân khấu chiếu phim màn ảnh rộng trước năm 1975, sau năm 1975 được cho thuê làm siêu thị, một phần diện tích làm phòng chiếu phim. Đến năm 2012, rạp bị đập bỏ hoàn toàn, chờ dự án trung tâm văn hóa đa năng và khách sạn hoàn thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc hợp tác kinh doanh, xây dựng công trình mới trên nền nhà hát cũ của chúng ta hiện nay giống như lấy bức bình phong văn hóa để tận dụng, khai thác kinh doanh khu đất đó

NSƯT Trần Vương Thạch 

"Với việc "đổi ngang" các rạp hát, rạp chiếu phim thành trung tâm thương mại, ta sẽ biến Hà Nội và TP.HCM thành những khối bêtông vô hồn" - cảnh báo đó của chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cũng là nỗi lo ngại chung của những ai quan tâm đến các thiết chế văn hóa.

NSƯT Trần Vương Thạch (giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM):

TP.HCM thiếu các trung tâm văn hóa đúng nghĩa

Thành phố hiện tính xây dựng dự án nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch thành một biểu tượng văn hóa. Nhưng khu đất để xây dựng dự án ở Thủ Thiêm cũng chỉ rộng 500m2. Trong khi nhà hát Esplanade (Sầu riêng), biểu tượng của Singapore, hay nhà hát Opera Sydney (Úc) đều có diện tích hơn 5ha. Điều này cho thấy TP.HCM đang thiếu thốn các trung tâm văn hóa đúng nghĩa như thế nào.

Một thực trạng đang xảy ra là chúng ta nhầm lẫn trong việc khai thác diện tích của một địa điểm văn hóa kết hợp với kinh doanh. 

Một nhà hát, rạp chiếu phim đủ chuẩn phải cao, rộng. Không thể có chuyện dành vài ba tầng dưới cho văn hóa rồi phía trên xây dựng căn hộ, khách sạn mà đủ chuẩn. Nếu như vậy thì chỉ mới làm hội trường văn hóa thôi.

NSƯT Trần Vương Thạch

Ở các nước, nhà hát, rạp chiếu phim nào cũng có những dịch vụ kinh doanh đi kèm. Tuy nhiên, những ngành nghề kinh doanh đó phải phù hợp với hoạt động văn hóa tại địa điểm đó, như các dịch vụ bán đĩa nhạc, phim ảnh, dụng cụ âm nhạc...

Còn việc hợp tác kinh doanh, xây dựng công trình mới trên nền nhà hát cũ của chúng ta hiện nay giống như lấy bức bình phong văn hóa để tận dụng, khai thác kinh doanh khu đất đó. 

Một khi đặt vấn đề hợp tác khai thác, kinh doanh trên mảnh đất văn hóa phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí giữa diện tích văn hóa và diện tích kinh doanh. Điều chắc chắn là phải dành phần lớn không gian để hoạt động biểu diễn. 

Nên giữ triệt để khu đất văn hóa cho TP.HCM - Ảnh 4.

Bên trong nhà hát "Sầu riêng" ở Singpapore - Ảnh: Esplanade

Nên giữ triệt để khu đất văn hóa cho TP.HCM - Ảnh 5.

Đây cũng là điểm rất thu hút khách tham quan, với giá vé 8-10 đô Sing/ khách - Ảnh: Esplanade

Theo tôi, những khu đất văn hóa còn lại nên giữ gìn triệt để, bởi thành phố mất nhiều lắm rồi. Thành phố nên tính việc quy hoạch xây dựng các trung tâm văn hóa đúng nghĩa như nhà hát, rạp chiếu phim dựa trên bình diện dân cư. 

Như ở các nước, họ căn cứ theo tiêu chuẩn bao nhiêu dân số sẽ có một nhà hát, rạp chiếu phim. Trong khi TP.HCM hiện nay chưa có quy hoạch như vậy. 

Do vậy, cần quy hoạch rõ ràng việc bố trí và xây dựng các nhà hát, rạp chiếu phim của thành phố theo tiến độ 5 năm, 10 năm, thậm chí 100 năm. 

Đây là chuyện người Pháp đã thực hiện từ năm 1900 để xây nhà hát thành phố hiện tại. Lúc đó, dân số Sài Gòn còn ít và chưa có những dàn nhạc giao hưởng, opera nhưng do có quy hoạch, người Pháp mới xây dựng nhà hát lớn phục vụ công chúng cả trăm năm sau.

Cần phải nhìn nhận thành phố không đến nỗi không thể dành một phần ngân sách cần thiết để chăm sóc cho văn hóa. Hiện có biết bao nhiêu nhà cao tầng, khách sạn xây lên vùn vụt. Do vậy, đòi hỏi thành phố phải có quy hoạch các thiết chế văn hóa rõ ràng, cụ thể và sự quyết tâm thực hiện quy hoạch đó.

* Chuyên gia truyền thông, dịch giả Nguyễn Đình Thành:

Không gian nghệ thuật là một trong những thước đo sự phát triển của xã hội

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu về nhà ở và các khu văn phòng, trung tâm thương mại đang tăng rất cao. Trong khi đó, quỹ đất nội ô không tăng. 

Hạ tầng giao thông còn yếu cộng với tâm lý ngại đi xa của người tiêu dùng đã khiến cho sức ép lên quỹ đất nội ô ngày càng tăng.

Tất cả làm nhiều công trình văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát... vốn đang hoạt động yếu ớt trở thành những mục tiêu được các nhà kinh doanh bất động sản săn đón. Có nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử và vai trò quan trọng trong tương lai, nhưng không phải công trình nào cũng đủ điều kiện trở thành di sản văn hóa. Vì thế chúng sẽ dễ bị xóa sổ.

Ngay cả khi một số đơn vị hoạt động không hiệu quả, nhưng vẫn có ý nghĩa lịch sử, là một phần của văn hóa dân tộc.

Khi bị dỡ bỏ hoặc thay đổi công năng, việc phục hồi sau này gần như bất khả. Một ngày nào đó, khi chất lượng tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhu cầu thưởng thức của xã hội đa dạng hơn, cầu kỳ hơn, chúng ta sẽ thiếu chỗ để tổ chức các hoạt động văn hóa. 

Hãy nhìn ví dụ của rạp Đống Đa, rạp Dân Chủ tại Hà Nội... đã mất đi. Một rạp hát mất đi tức là một nơi biểu diễn cho cả một bộ môn nghệ thuật mất đi, tức là truyền thống nghệ thuật bị đe dọa (chèo, tuồng, cải lương, xiếc...).

Trong quá trình phát triển, việc đập bỏ hay thay đổi công năng xảy ra ở mọi nơi. Vấn đề là nên thay đổi như thế nào. Thay một rạp chiếu phim bằng một rạp hát, nhà triển lãm thì rất quý.

Số lượng các nhà hát, rạp chiếu phim hay đúng hơn là các không gian nghệ thuật là một trong những thước đo sự phát triển của một xã hội.

Dịch giả Nguyễn Đình Thành

Ở Pháp, có nhà ga cũ được biến thành bảo tàng, có nơi thì biến thành trung tâm văn hóa; có nhà tang lễ được biến thành trung tâm nghệ thuật đương đại; có kho chứa hàng được biến thành khu nghệ thuật cộng đồng.

Xây một rạp chiếu phim mới thì dễ, cải tạo, giữ gìn, nâng cấp một rạp chiếu phim cũ có lịch sử mới khó. Nếu vội vã đập bỏ, chúng ta sau này khó tránh khỏi hối hận.

* Đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy:

Nhiều đơn vị "ở nhờ", thiếu không gian luyện tập

Cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật - có những nơi đã được chuyển giao, hoán đổi nhưng nhiều đơn vị lại phải đi "ở nhờ" như Nhà hát bội TP.

Văn phòng làm việc của Nhà hát giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP được bố trí tại tầng hầm Nhà hát TP, trong đó khu vực luyện tập của hai đoàn giao hưởng, nhạc kịch và kho chứa nhạc cụ của đơn vị đặt tại rạp Thanh Vân có diện tích nhỏ hẹp, ẩm thấp.

Đây còn là kho phục trang cho cả 3 đoàn nhạc kịch, vũ kịch và giao hưởng, môi trường và điều kiện làm việc không đảm bảo.

Trong khi đó, đoàn vũ kịch đang phải thuê sàn tập tại 81 Trần Quốc Thảo nhưng hết tháng 9-2017, đơn vị này phải trả mặt bằng, đang cần được hỗ trợ địa điểm mới để luyện tập... Vậy việc tạm giao, hoán đổi này có thiệt thòi cho Nhà nước, các đơn vị hay không?

T.LONG ghi

TIẾN LONG - V.V.TUÂN ghi/TTO